Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng trả nợ tốt của Việt Nam cao hàng đầu khu vực châu Á
Nhìn chung, doanh nghiệp châu Á tiếp tục gặp khó vì lãi suất cao. Rủi ro mất khả năng thanh toán của các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục là vấn đề nan giải trong khu vực.
- 29-05-2023Ngân hàng gồng mình vì lãi suất, nợ xấu, tín dụng khó tăng vì khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp
- 29-05-2023Lý do nhiều người ồ ạt bán vàng bất chấp lỗ
- 29-05-2023Ngày 29/5: Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm sâu, lãi suất cho vay bắt đầu đồng loạt giảm mạnh
IMF vừa công bố báo cáo trả nợ của doanh nghiệp theo quốc gia. Trong đó, khả năng trả nợ (ICR) của doanh nghiệp được đo lường bằng cách lấy lợi nhuận chia cho lãi vay. Nếu tỷ số này càng gần với 1, doanh nghiệp càng ít có khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ.
Theo đó, lượng công ty có ICR bằng 4 ở Việt Nam hiện đang chiếm 64,36% tổng số doanh nghiệp được thống kê. Trong khi tỷ số này của châu Á là 56,59% và thế giới là 50%.
Báo cáo cũng cho thấy, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á như Thái lan, Ấn Độ và Trung Quốc đang phải đối mặt với việc nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán, do có không ít nợ đang tập trung ở các đơn vị có ICR nhỏ hơn 1.
Mặt khác, dù có phần lớn doanh nghiệp trong phân khúc ICR từ 1-4, song các quốc gia và khu vực kinh tế như Philippines, Malaysia, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn có thể chứng kiến làn sóng hàng loạt doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, nếu chi phí vay vốn tiếp tục tăng lên.
“Có một vấn đề nổi cộm ở khu vực châu Á đó là phần lớn các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản và xây dựng đang có tỷ lệ ICR bằng hoặc thấp hơn 1”, các chuyên gia IMF nhấn mạnh.
Báo cáo cho biết thêm, quỹ dự trữ tiền mặt được tích lũy qua nhiều năm có thể giúp doanh nghiệp tạm thời chống chọi được với vấn đề lãi suất cao. Tuy nhiên, nếu chi phí vay vốn tiếp tục tăng lên, các khoản tích lũy này sẽ không đủ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhìn chung, cả châu lục đang chứng kiến lượng tiền mặt ở các doanh nghiệp sụt giảm sâu, do chi phí vay vốn tiếp tục tăng lên.
“Khi các điều kiện tín dụng bị thắt chặt hơn và khả năng tiếp cận nợ ngắn hạn bị giới hạn, các doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào, hay chỉ chủ yếu tài trợ bằng nợ ngắn hạn, cũng phải đương đầu với không ít áp lực”, nhóm phân tích đánh giá.
Các chuyên gia từ IMF khuyến nghị, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục bất ổn, gánh nặng nợ tiếp tục đè nặng, chi phí vay vốn liên tục tăng, các nhà điều hành tài chính nên thận trọng và hiệu chỉnh lại các công cụ. Qua đó, những khó khăn của doanh nghiệp có thể dần được giải quyết và an toàn vĩ mô vẫn được đảm bảo.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương nên sử dụng linh hoạt các công cụ để cho vay và đảm bảo thanh khoản. Qua đó, giữ vững ổn định của nền tài chính, trong khi vẫn có thể kiềm chế lạm phát.
“Dù các ngân hàng trung ương vẫn duy trì lãi suất cao để khống chế lạm phát và tình hình tài chính có thể còn khó khăn hơn, kinh tế khu vực châu Á sẽ tiếp tục giữ vững tăng trưởng và đóng góp khoảng 2/3 vào đà mở rộng quy mô của kinh tế toàn cầu”, nhóm phân tích đánh giá.
Ở Việt Nam, từ cuối quý I/2023, các cơ quan điều hành đã liên tục có nhiều biện pháp nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Đối với chính sách tiền tệ, tính đến hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đã có 3 lần hạ lãi suất điều hành. Cùng lúc, các công cụ thúc đẩy thanh khoản, cơ cấu lại nợ của doanh nghiệp tiếp tục được đưa ra nhiều hơn.
Trong một báo cáo hồi tháng 4, IMF dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 5,8% trong năm nay và 6,9% vào năm 2024.
Nhịp sống Thị trường