UBND TP HCM đề xuất 15.900 tỉ đồng làm đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài
Đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
- 18-10-2021Việt Nam học được gì từ luật 'U-turn Act' của Hàn Quốc: Chỉ 6 năm có thể kéo loạt 'ông lớn' các ngành điện tử, ô tô, trang sức... về nước
- 18-10-2021Ngân sách đã chi hơn 30 nghìn tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19, mua vaccine hơn 15 nghìn tỷ
- 17-10-2021Top 7 ngành đang 'hốt bạc' bất chấp đại dịch, có ngành chỉ cần 2 năm, lợi nhuận trung bình của DN đã nhân đôi
Sáng 18-10, tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, UBND TP HCM đã có tờ trình HĐND TP HCM về đề xuất thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài
UBND TP HCM cho biết Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã đồng ý chủ trương thực hiện dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc TP HCM - Mộc Bài theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND thành phố.
Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND TP HCM làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc này. UBND TP HCM đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông lập, trình thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
Kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc sáng 18-10
Để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, UBND TP HCM đề nghị HĐND thành phố xem xét và đồng thuận đề xuất thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài.
Theo UBND TP HCM, dự án này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và giảm tải cho Quốc lộ 22. Đây sẽ là tuyến giao thông xuyên Á, kết nối các trung tâm kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, các đô thị của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế và khu vực kinh tế ASEAN.
Dự án cũng nhằm phát huy lợi thế các tuyến cao tốc đã và đang được đầu tư xây dựng trong khu vực; góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tạo bước đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Theo tờ trình, dự án nằm trên địa bàn TP HCM và tỉnh Tây Ninh, bắt đầu từ đường vành đai 3 thuộc huyện Củ Chi, tuyến đi song song với quốc lộ 22 hiện hữu. Đoạn cuối kết nối vào quốc lộ 22 khu vực cửa khẩu Mộc Bài.
Tuyến đường có 8 làn xe, đoạn còn lại trên địa phận tỉnh Tây Ninh có 6 làn xe. Chiều dài toàn tuyến cao tốc là 50km, trong đó, đoạn qua TP HCM dài 23,7km.
Phương thức đầu tư theo đối tác công tư (hợp đồng BOT). Theo đó, nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT, nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ nguồn vốn ngân sách của TP HCM và tỉnh Tây Ninh.
Khái toán tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 15.900 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 5.417 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư và chi phí khác là 1.836 tỉ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư là 7.433 tỉ đồng (trên địa bàn TP HCM khoảng 5.901 tỉ đồng, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỉ đồng); chi phí dự phòng là 1.214 tỉ đồng.
Thời gian thực hiện dự án (giai đoạn 1) dự kiến trong giai đoạn năm 2021-2025.
Đề nghị lùi thời gian thu phí hạ tầng cảng biển đến 1-4-2022
Cũng tại kỳ họp thứ 3 HĐND TP HCM khóa X, UBND TP HCM đã có tờ trình đề nghị HĐND TP HCM sửa đổi, bổ sung Nghị quyết về mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP HCM.
Theo đó, UBND TP HCM đề nghị lùi thời gian thu phí đến 0 giờ ngày 1-4-2022 thay vì từ 0 giờ ngày 1-10-2021.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình trình bày tờ trình của UBND TP HCM về điều chỉnh lùi thời gian thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển đến ngày 1-4-2022 tại kỳ họp
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hòa Bình cho biết việc này để doanh nghiệp có thêm thời gian phục hồi kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, việc điều chỉnh này sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Trước đó, ngày 9-12-2020, HĐND TP HCM đã ban hành Nghị quyết 10 về ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP.
Theo đó, TP HCM sẽ thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ ngày 1-7-2021.
Tuy nhiên, do giai đoạn này, tình hình dịch Covid-19 ở TP HCM diễn biến phức tạp, thành phố bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh phải tạm ngừng, đời sống người lao động và người có thu nhập thấp gặp nhiều khó khăn. TP HCM cũng đang thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống, dịch.
Do đó, UBND TP HCM đã đề nghị HĐND TP HCM lùi thời gian thu phí từ lên ngày 1-10-2021. Việc điều chỉnh thời gian thu phí như trên sẽ tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Sau đó, ngày 25-6-2021, HĐND TP HCM đã ban hành Nghị quyết 11 điều chỉnh thời gian thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển từ 0 giờ ngày 1-10-2021.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng các đại biểu tại kỳ họp sáng 18-10
Theo Nghị quyết của HĐND TP HCM, đối tượng nộp phí là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tạm nhập- tái xuất, hàng chuyển khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố; các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố (bao gồm tổ chức cá nhân mở tờ khai hải quan tại thành phố và ngoài thành phố).
TP HCM miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh.
Mức thu cao nhất là 4,4 triệu đồng/container, mức thấp nhất là 15.000 đồng/tấn đối với hàng rời không đóng trong container.
Sở Giao thông vận tải TP HCM cho biết việc thành phố triển khai tổ chức thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn là để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dịch vụ kết nối cảng biển trên địa bàn thành phố.
Người lao động