UBS: Trung Quốc đã bắt đầu giải cứu các ngân hàng
Tin tốt là vốn của các ngân hàng tăng lên. Tin xấu là cần tiếp tục bơm vốn cho các ngân hàng.
- 11-08-2016225 triệu lý do để Trung Quốc lo lắng
- 09-08-2016Nhà đầu tư Trung Quốc "khuynh đảo" thị trường hàng hóa thế giới
- 08-08-2016Kinh tế Trung Quốc tiếp tục có dấu hiệu đình trệ
Kết quả phân tích 765 ngân hàng Trung Quốc mới được UBS công bố cho thấy nỗ lực “dọn sạch” hệ thống tài chính bị ám ảnh bởi nợ đang diễn ra khá trơn tru. Trong khoảng thời gian từ năm 2013 đến 2015, đã có 1.800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 271 tỷ USD) nợ xấu được xóa bỏ. Nguồn vốn của các ngân hàng cũng đã tăng thêm 620 tỷ USD trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, Trung Quốc còn cả một chặng đường ở phía trước. Để đạt được tỷ lệ nợ bền vững hơn, hệ thống ngân hàng nước này cần bổ sung thêm 2.000 tỷ nhân dân tệ cũng như xóa thêm 4.500 tỷ nhân dân tệ nợ xấu.
“Trái với dự đoán của thị trường, Trung Quốc đã bắt đầu quá trình tái cấp vốn và giải cứu hệ thống ngân hàng”, chuyên gia Jason Bedford đến từ UBS nói. “Điều thú vị nhất là lần đầu tiên trong 1 thập kỷ trở lại đây, Trung Quốc chính thức triển khai kế hoạch tái cấu trúc tài sản và giải cứu các định chế lớn”.
Nghiên cứu của UBS chỉ ra sự không đồng đều trong quá trình cải tổ hệ thống ngân hàng của Trung Quốc. Một số địa phương tăng vốn và xóa nợ xấu nhanh hơn nơi khác, đồng thời có khoảng cách không mong muốn giữa các ngân hàng đã niêm yết và ngân hàng chưa niêm yết. Những ngân hàng nằm trong vùng có hoạt động kinh tế trì trệ hơn như Nội Mông, Hắc Long Giang, Thiểm Tây và Liêu Ninh bị tụt lại phía sau so với những ngân hàng ở miền Nam và vùng duyên hải.
Trong khi đó, các ngân hàng chưa niêm yết đã huy động được hơn 220 tỷ nhân dân tệ trong 2 năm qua, cao gấp nhiều lần so với con số 38 tỷ nhân dân tệ của các ngân hàng đã niêm yết, dù nhóm chưa niêm yết chỉ chiếm 20% tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng Trung Quốc.
Bên cạnh đó chất lượng vốn huy động đến đâu vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Nhiều ngân hàng niêm yết đã chọn cách bán cổ phiếu ưu đãi trong khi cổ phiếu của họ được giao dịch dưới mức giá trị sổ sách. Hơn nữa, chưa rõ nguồn vốn bổ sung được sử dụng để “vá” các lỗ hổng trên bảng cân đối kế toán hay để tài trợ cho nhu cầu tín dụng mới.
Ví dụ, một số ngân hàng có vốn tăng mạnh nhất (103% và 305%) cũng có tài sản tăng trưởng 118% và 122%. Nếu như tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức gấp 2, 3 lần so với tăng trưởng GDP, đây là điều không tốt đối với toàn bộ hệ thống vì như vậy nợ xấu còn tăng trưởng nhanh hơn so với quá trình xử lý tài sản độc hại, Bedford nói.