MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ukraine quyết cắt đường vận chuyển khí đốt Nga tới châu Âu, Kremlin lên tiếng cảnh báo, tiết lộ phương án thay thế

29-08-2024 - 14:21 PM | Tài chính quốc tế

Ukraine tuyên bố không gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga tới châu Âu qua lãnh thổ nước này.

Ukraine quyết cắt đường vận chuyển khí đốt Nga tới châu Âu, Kremlin lên tiếng cảnh báo, tiết lộ phương án thay thế- Ảnh 1.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Nga có các tuyến đường thay thế để cung cấp khí đốt tới châu Âu sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận về trung chuyển nhiên liệu từ Nga.

“Chúng tôi có những tuyến đường thay thế và có kế hoạch xây dựng một trung tâm vận chuyển ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công việc này đang được thực hiện”, ông Peskov nói với các phóng viên vào thứ Ba (27/8).

Trước đó, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã quyết định không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt với gã khổng lồ năng lượng Gazprom (Nga) tới châu Âu. Hợp đồng này hết hiệu lực vào cuối năm 2024.

Bình luận về việc này, người phát ngôn điện Kremlin cảnh báo việc chấm dứt vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng ở EU.

Ông Peskov cho biết quyết định của Ukraine có thể đẩy giá khí đốt lên cao, gây khó khăn cho người tiêu dùng châu Âu.

Peskov cho biết: “Người châu Âu sẽ phải trả nhiều tiền hơn để mua khí đốt từ các nhà cung cấp khác, bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Điều này sẽ khiến ngành công nghiệp châu Âu kém cạnh tranh hơn”.

Theo thỏa thuận 5 năm giữa Kiev và Moscow với EU làm trung gian, Gazprom sẽ vận chuyển 65 tỷ mét khối (bcm) khí đốt qua Ukraine vào năm 2020 và 40 bcm hàng năm trong giai đoạn 2021-2024 tới châu Âu.

Gazprom – từng là nhà cung cấp khí đốt chính của EU, đã giảm đáng kể lượng xuất khẩu sang khối vào năm 2022 sau vụ phá hoại đường ống Nord Stream.

Các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine do EU áp dụng đối với Nga cho đến nay vẫn chưa nhắm vào nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống, nhưng nhiều thành viên, bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch đã tự nguyện dừng nhập khẩu. Tuy nhiên, một số quốc gia EU, bao gồm Áo, Slovakia, Cộng hòa Séc và Ý vẫn đang nhập khẩu khí đốt qua đường ống của Nga.

Người ta lo ngại rằng dòng chảy có thể dừng lại sớm sau cuộc xâm nhập quân sự của Kiev vào Vùng Kursk của Nga, nơi có điểm trung chuyển khí đốt vào Ukraine, Sudzha. Năm ngoái, Gazprom đã cung cấp khoảng 15 bcm khí đốt cho EU qua tuyến đường này, chiếm 4,5% tổng lượng tiêu thụ của khối.

Gazprom trước đó đã báo cáo rằng việc vận chuyển khí đốt qua Sudzha vẫn tiếp tục theo đúng khối lượng đã ký kết.

Theo Tass, RT

Y Vân

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên