MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD sẽ ở thế “độc tôn” trong xu hướng tăng giá năm 2022?

05-01-2022 - 14:02 PM | Tài chính - ngân hàng

USD sẽ ở thế “độc tôn” trong xu hướng tăng giá năm 2022?

Chênh lệch về lãi suất giữa các ngân hàng trung ương lớn sẽ chi phối tâm lý nhà đầu tư trên thị trường ngoại hối trong ba tháng tới. Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích tiền tệ do Reuters tiến hành cho thấy đồng USD sẽ ở thế “độc tôn” trong xu hướng tăng giá so với các tiền tệ khác.

Chỉ số Dollar index đã tăng gần 7% trong năm 2021, mức tăng mạnh nhất kể từ 2015, và dự báo sẽ còn tăng tiếp khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiết lộ sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.

Được thúc đẩy bởi chính sách của Fed, đồng USD đã hồi phục nhanh trong những tuần cuối năm sau đợt giảm trước đó.

Paul Meggyesi, người phụ trách bộ phận nghiên cứu ngoại hối thuộc JP Morgan, trụ sở ở London, cho biết: "Đồng đô la được đặt ở vị trí tốt để lặp lại những gì nó đã làm được (tăng giá)".

"Thông thường, đồng đô la tăng trung bình bốn điểm phần trăm theo các chỉ số thị trường diện rộng (broad index terms - bao gồm các cổ phiếu lớn, có tính thanh khoản cao được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán) trong sáu tháng trước khi Fed tăng lãi suất lần đầu tiên, và đó có lẽ không phải là một dự đoán phi lý khi nghĩ về mức độ tăng giá của đồng USD lần này".

Bước sang năm 2021, USD vẫn tiếp tục tăng, phiên 4/1/2021 đạt mức cao kỷ lục nhất 5 năm trở lại đây so với yen Nhật, là 116,34 JPY, sau 5 phiên liên tiếp tăng giá, trong bối cảnh các nhà đầu tư dự đoán biến thể Omicron sẽ không làm "trật bánh" đà hồi phục kinh tế toàn cầu, và Fed cũng sẽ không trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất.

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ theo đó cũng tăng lên bởi dự đoán Fed nâng lãi suất hỗ trợ USD mạnh lên. Theo đó, lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 2 năm – vốn nhạy cảm với kỳ vọng Fed tăng lãi suất – và kỳ hạn 5 năm đều tăng, theo đó lợi suất kỳ hạn 5 năm đạt mức cao kỷ lục kể từ tháng 2/2020.

Ngày 3/1, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã cho phép sử dụng liều vắc xin Pfizer và BioNTech tăng cường thứ ba cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi và thu hẹp khoảng thời gian đủ điều kiện tiêm nhắc lại xuống còn năm tháng so với mức 6 tháng đưa ra trước đây.

Các nhà đầu tư cho rằng Omicron có khả năng ít gây xáo trộn hơn nền kinh tế toàn cầu hơn so với các biến thể trước đó, vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ nhập viện thấp hơn.

USD sẽ ở thế “độc tôn” trong xu hướng tăng giá năm 2022? - Ảnh 1.

Khảo sát của Reuters: Điều gì sẽ chi phối chính xu hướng các thị trường tiền tệ trong 3 tháng tới?

Tuy nhiên, vẫn tồn tại yếu tố không chắc chắn đáng kể trên thị trường tài chính liên quan đến biến thể Omicron - đã đẩy các chỉ số đo biến động cuối năm 2021 tăng lên mức cao nhất trong năm vừa qua.

Đó chính là lý do dự đoán của các nhà phân tích và các thương gia về câu hỏi: "Điều gì sẽ thúc đẩy thị trường ngoại hối trong quý I/2022?" có sự khác biệt khá lớn.

Câu trả lời phổ biến nhất, đến từ 19 trong số 46 người được hỏi, là chênh lệch lãi suất; lựa chọn phổ biến thứ hai với 15 người chọn là các biến thể mới của virus Covid-19.

"Tỷ giá USD/JPY biến động như vậy là do chênh lệch lợi suất, theo đó Fed đang chuẩn bị nâng lãi suất sớm và nhiều", Joe Manimbo, nhà phân tích thị trường cấp cao thuộc Western Union Business Solutions ở Washington DC. cho hay.

Không chỉ so với yen Nhật, các nhà phân tích cho biết, về mặt cơ bản, sự khác biệt chính sách giữa Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) và Fed cũng tạo ra tâm lý giảm giá đáng kể đối với đồng euro. ECB vẫn cho rằng có thể không tăng lãi suất vào năm 2022, nhưng đã có một số thành viên kêu gọi điều này nếu lạm phát tăng vượt mức mục tiêu 2% trong một thời gian dài.

"Vấn đề chính ở đây là chắc chắn Omicron rất khó đoán, nhưng thị trường cho đến nay đã nghĩ rằng Omicron có vẻ sẽ không "giáng một đòn mạnh" vào quá trình hồi phục kinh tế mà chỉ thu hút sự chú ý của các ngân hàng trong ương, mặc dù khả năng họ sẽ vẫn tiếp tục lộ trình đẩy tăng lãi suất", ông Joe Manimbo cho biết.

Mặc dù vậy, tất cả các nhà phân tích đều không kỳ vọng hầu hết các đồng tiền chủ chốt sẽ lấy lãi những gì đã mất so với USD trong 12 tháng tới.

Đồng euro (EUR) được dự báo sẽ tăng khoảng 1,5% vào cuối năm 2022, trong khi yên Nhật Bản – một nơi trú ẩn an toàn – dự đoán sẽ giảm thêm khoảng 2% trong năm 2022. Năm 2021, euro đã giảm khoảng 7% so với USD, trong khi yen Nhật giảm khoảng 9%.

Song, một số nhà phân tích cho rằng đồng USD cuối cùng cũng sẽ suy yếu trở ại do các yếu tố cơ bản hỗ trợ sức mạnh của đồng bạc xanh sẽ không bền vững trong thời gian dài.

"Nếu những gì bạn đang xem là lạm phát, hãy nhớ rằng bạn đang nhìn vào ngắn hạn, có thể là một năm hay một năm rưỡi, nhưng cuối cùng vẫn có lúc yếu đi", nhà phân tích chiến lược tiền tệ nhóm G10 của Standard Chartered, ông Steve Englander nhận định.

"Tôi muốn nói rằng đây không phải là một đợt tăng giá kéo dài. Đợt tăng giá lần này không giống như cuối những năm 90, khi bạn chứng kiến ​​năng suất bùng nổ. Đợt tăng giá lần này của USD giống như ở những năm 70, đến rồi sẽ đi", ông Steve Englander nói.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên