MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ưu tiên ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 lên 4 làn xe

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, hiện có 5 tuyến cao tốc hiện nay có 2 làn xe, trong đó có 2 tuyến ở Thừa Thiên Huế.

Chiều 7/6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải. Chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, hiện nay, quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không khuyến khích đầu tư các tuyến cao tốc có 2 làn xe gây lãng phí, khai thác không hiệu quả, mất thời gian.

"Hiện Huế có 2 tuyến cao tốc: La Sơn - Túy Loan và Cam Lộ - La Sơn phát huy hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên do quy mô nhỏ và lưu lượng, tốc độ không cao nên vẫn sử dụng Quốc lộ 1A. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, vậy với những dự án quy mô nhỏ, xin Bộ trưởng cho biết đã có kế hoạch rà soát để nâng cấp và mở rộng không?", đại biểu Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề.

Ưu tiên ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 lên 4 làn xe - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều (7/6)

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết việc đầu tư các tuyến cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh hay 6-8 làn xe là nhu cầu đúng đắn, cần thiết. Thủ tướng luôn chỉ đạo cố gắng đầu tư tuyến nào hoàn thành tuyến đó. Song thực tế vừa qua, nhiều tuyến do nguồn lực có hạn nên chỉ đủ ngân sách làm 2 làn xe, một phần do ban đầu, lưu lượng xe qua các tuyến này cũng không lớn.

Nhắc lại quan điểm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng về việc hạn chế làm các tuyến cao tốc 2 làn xe, ông Thắng cho biết qua tổng hợp, có 5 tuyến cao tốc hiện nay có 2 làn xe, trong đó có 2 tuyến ở Thừa Thiên Huế.

"Thủ tướng đã chỉ đạo thời gian tới ưu tiên nguồn ngân sách tập trung nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 làn xe lên 4 làn, đây là chỉ đạo rất đúng đắn. Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu, tới đây sẽ tiếp tục phối hợp tham mưu và đề xuất để có nguồn vốn để hoàn thiện tất cả các tuyến đường cao tốc 2 làn xe lên 4 làn xe hoàn chỉnh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Làm cao tốc, đường quốc lộ cần 466.000 tỉ nhưng chỉ được bố trí 366.000 tỉ đồng

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, hiện nay, một số tuyến đường quốc lộ không đáp ứng nhu cầu đi lại, nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại của người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Một số tỉnh đề xuất chủ trương với Bộ Giao thông Vận tải và với Chính phủ là có cơ chế cho phép các tỉnh dùng ngân sách của địa phương để đầu tư mở rộng các tuyến đường này, phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển kinh tế - xã hội, sau đó sẽ bàn giao cho địa phương quản lý.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết quan điểm về vấn đề này như thế nào?

Trả lời đại biểu Mạnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo quy định của Luật Ngân sách và Luật Giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc ở quốc lộ thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải. Những tuyến đường tỉnh lộ trở xuống thuộc trách nhiệm của địa phương.

"Vừa qua, trong bối cảnh, nguồn ngân sách có hạn, nhiều tuyến đường xuống cấp, ngân sách trung ương một năm Bộ Giao thông Vận tải được giao chỉ đáp ứng được 66%. Ví dụ nhiệm kỳ này, nhu cầu của chúng ta cần 446.000 tỉ đồng để đầu tư làm đường cao tốc, quốc lộ nhưng ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỉ đồng, không đáp ứng được để đầu tư hết các tuyến đường quốc lộ", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Ưu tiên ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 lên 4 làn xe - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết cần 446.000 tỉ đồng để đầu tư làm đường cao tốc, quốc lộ nhưng ngân sách chỉ bố trí được 366.000 tỉ đồng

Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh nguồn ngân sách trung ương có hạn, nếu địa phương bố trí được nguồn vốn, cùng với trung ương thực hiện các tuyến quốc lộ là rất cần thiết, quan trọng. Không chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc mà nhiều địa phương vừa rồi cũng đã đề nghị như vậy. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ cũng đã họp để trình Thường vụ Quốc hội thực hiện cơ chế thí điểm trong lúc Luật chưa sửa được và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép địa phương có thể có nguồn vốn tham gia với trung ương để triển khai xây dựng đường quốc lộ và cao tốc.

Chỉ còn 2 tỉnh có trung tâm đăng kiểm chưa mở lại

Còn đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đặt câu hỏi chất vấn về việc cử tri đề nghị mở lại các trung tâm đăng kiểm. Bởi, trong thời gian qua, trung tâm đăng kiểm nhiều nơi đã đóng cửa, gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị tạo điều kiện để mở lại các trung tâm này. Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để sớm triển khai nội dung này.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, cả nước hiện chỉ còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình là chưa mở lại được, còn trung tâm đăng kiểm ở các tỉnh thành khác cơ bản đã mở lại.

Đối với Hòa Bình, ông Thắng cho biết đã làm việc trực tiếp với Bí thư tỉnh và Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh về việc làm gì để mở lại. Bộ Giao thông Vận tải đã phải hỗ trợ địa phương đào tạo một cán bộ do địa phương giới thiệu, thi tuyển, cấp chứng chỉ để giữ cương vị lãnh đạo giám đốc trung tâm đăng kiểm. Đối với các đăng kiểm viên, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình chuẩn bị rất đầy đủ và sẽ sớm mở lại trung tâm đăng kiểm tại đây.

Kéo giãn chu kỳ đăng kiểm chỉ là "giải pháp tạm thời"

Cũng liên quan đến vấn đề đăng kiểm, đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) đặt vấn đề với 75% các trung tâm tăng trưởng hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang thực hiện. Doanh nghiệp ngoài nhà nước khi đầu tư thì họ phải thu hồi lại vốn.

Tuy nhiên với cơ chế tài chính như hiện nay, đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng rất khó để các doanh nghiệp này có thể duy trì được các trung tâm đăng kiểm mà họ xin phép đã được thành lập.

Do vậy, ông Giang đề nghị cần đổi mới cơ chế tài chính. Khi xã hội làm được thì cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước làm. "Đây mới là giải pháp lâu dài, chứ chỉ kéo giãn chu kỳ đăng kiểm mà vẫn giữ cơ chế tài chính cũ thì rất khó giữ các trung tâm đăng kiểm ngoài nhà nước", ông Giang bày tỏ.

Ưu tiên ngân sách để nâng cấp các tuyến cao tốc từ 2 lên 4 làn xe - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng kéo giãn chu kỳ đăng kiểm chỉ là "giải pháp tạm thời"

Trả lời ý kiến tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, những vụ việc xảy ra trong hoạt động đăng kiểm vừa qua hết sức nghiêm trọng, gây ra hệ lụy lớn, khi doanh nghiệp, người dân phải chờ đợi trong hoạt động đăng kiểm. Có tới 600 lãnh đạo, công chức, viên chức, đăng kiểm viên bị khởi tố, trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có tới 106 trung tâm đăng kiểm phải đóng cửa. Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để tập trung tháo gỡ, khôi phục hoạt động đăng kiểm phục vụ cho người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi nhận công tác đã có nỗ lực nghiên cứu, điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Bộ đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm, đồng thời rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ.

Bộ đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực. Bộ cũng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe.

Bộ trưởng cho biết, còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên. Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Ngoài ra, Bộ cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản.

"Tôi cũng cam kết chỉ trong vòng hết tháng 6, không quá đầu tháng 7, các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường", Bộ trưởng nêu.

Theo Thùy An

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên