Ưu tiên thuốc Việt trong đấu thầu
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, những loại thuốc đã đáp ứng được chất lượng, số lượng và có giá cả phù hợp sẽ được cho điểm cao trong đấu thầu.
- 22-03-2017An Giang tiêu hủy lượng thuốc lá "khủng" nhập lậu
- 15-03-2017Sửa đổi quy định mua thuốc biệt dược gốc để giảm giá thuốc
- 09-02-2017Bộ Y tế kiểm tra chất lượng 100% các lô thuốc nhập khẩu
Ông Cường thông tin, thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2016, Bộ Y tế đã tích cực triển khai Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Đến nay, tỷ trọng thuốc Việt Nam sử dụng trong các bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh và huyện đều tăng rõ rệt (tuyến trung ương tăng gần 2%, tuyến tỉnh tăng 1,2% và tuyến huyện là hơn 2%). Phát huy kết quả đạt được, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng ưu tiên thuốc Việt Nam, đặc biệt là những loại thuốc đã đáp ứng được chất lượng, số lượng và có giá cả phù hợp sẽ được cho điểm cao trong đấu thầu.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có một số chỉ đạo mới đối với công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế phối hợp với cơ quan liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về việc mua thuốc biệt dược gốc đã hết bản quyền để giảm giá thuốc thông qua đấu thầu rộng rãi. “Về cơ bản, những thuốc thuộc nhóm generic đã hết hạn bản quyền chúng ta có quyền sản xuất và thay thế khi đáp ứng được yêu cầu”, ông Cường khẳng định và dự tính, nếu đưa thuốc Việt có chất lượng tốt thay thế được thuốc nhóm này thì giá thuốc có thể giảm thêm 10% nữa.
Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo hướng ưu tiên thuốc Việt Nam, đặc biệt là những loại thuốc đã đáp ứng được chất lượng, số lượng và có giá cả phù hợp sẽ được cho điểm cao trong đấu thầu.
Tuy nhiên, Lãnh đạo Bộ Y tế trăn trở, vẫn có không ít người dân còn “tư tưởng sính ngoại” trong việc dùng thuốc để chữa bệnh. Bên cạnh đó, việc tuân thủ triển khai sử dụng thuốc Việt ở một số đơn vị, cơ sở y tế công lập vẫn còn bất cập.
Nhằm tăng cường sử dụng thuốc Việt trong các cơ sở y tế công lập, ông Cường cho hay, trong năm 2017, ngành y tế tiếp tục tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Đồng thời, tăng cường công tác thanh kiểm tra việc sử dụng thuốc tại các cơ sở y tế công lập. Trường hợp phát hiện vi phạm sẽ có biện pháp xử lý nghiêm minh.
Bộ Y tế cho biết, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2016, các doanh nghiệp dược đã tích cực tham gia chương trình truyền thông “Con đường thuốc Việt” để bình chọn doanh nghiệp sản xuất thuốc và sản phẩm thuốc đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt”. Đến nay, Hội đồng bình chọn của Bộ Y tế đã lựa chọn được 30 doanh nghiệp và 62 sản phẩm thuốc sản xuất trong nước tiêu biểu xứng đáng đạt giải thưởng “Ngôi sao thuốc Việt”.
Tính đến tháng 10/2016, Bộ Y tế ghi nhận cả nước có 837 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với 8.008 sản phẩm được cấp chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc chứng nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, trong đó có 4.855 sản phẩm sản xuất trong nước (chiếm tỷ lệ 60,6%) và 3.153 sản phẩm thực phẩm chức năng nhập khẩu vào Việt Nam (chiếm tỷ lệ 39,4%). Bộ Y tế cũng ban hành Công văn số 3825/BYT-QLD ngày 22/6/2016 về việc khảo sát, đánh giá “Chuỗi thuốc Việt” từ sản xuất đến sử dụng và kiến nghị chính sách…
Báo Đấu thầu