MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Điện hạt nhân cần được nghiên cứu, xem xét

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Điện hạt nhân cần được nghiên cứu, xem xét

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng giai đoạn tiếp theo.

Với hướng đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.

Đề nghị trên có trong Báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 31/2016/QH14 của Quốc hội về việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn 2016-2021, là một trong những nội dung được gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, khai mạc sáng 23/5.

13 năm trước, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 ngày 25/11/2009 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đến năm 2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đồng ý chủ trương dừng thực hiện dự án này; sau đó tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/11/2016.

Qua giám sát, về giải quyết các vấn đề liên quan đến việc dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, cơ quan của Quốc hội cho biết, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng đã đầu tư cho Dự án được sử dụng, tận dụng hợp lý, bước đầu hình thành nguồn nhân lực và một số hạ tầng để tạo cơ sở cho việc phát triển ngành năng lượng nguyên tử trong tương lai; các đối tác quốc tế thấu hiểu và thông cảm với điều kiện với Việt Nam, không yêu cầu bồi hoàn các kinh phí đã hỗ trợ.

Về thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách theo Nghị quyết số 31/2016/QH14, Nghị quyết số 115/NQ-CP đã phát huy hiệu quả, góp phần đem lại sự thay đổi mạnh mẽ, đem lại diện mạo mới cho tỉnh Ninh Thuận. Việc phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh những năm qua đạt được những thành tựu vượt bậc; khả năng thu hút đầu tư được cải thiện đáng kể; cơ cấu kinh tế có sự thay đổi lớn; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư một cách đồng bộ; đời sống nhân dân từng bước được nâng cao; công tác giảm nghèo, an sinh xã hội có những kết quả tích cực.

Nhưng, "Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2" đến nay chưa được phê duyệt, dẫn đến đời sống của một bộ phận nhân dân gặp khó khăn; người dân chưa an tâm, ổn định sản xuất, gặp khó khăn trong thực hiện các quyền, hoạt động liên quan đến đất đai, từ đó dẫn đến lãng phí nguồn lực đất đai trong khu vực này.

Một số vướng mắc về thuế, chi phí của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) liên quan đến quá trình triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chưa được xử lý triệt để: (i) Chi phí của Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tương đối lớn (1.496 tỷ đồng trước thuế, không bao gồm chi phí các hạng mục công trình đã chuyển giao sử dụng cho mục đích khác) nhưng chưa hình thành tài sản cố định; cần được cấp có thẩm quyền cho phép hạch toán vào chi phí chung của EVN để thu hồi vốn đầu tư cho các dự án khác; (ii) Đã tạm ứng chi thực hiện Dự án di dân tái định cư của các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận số tiền là 196,8 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn trả; (iii) Không được hoàn, bù trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào liên quan đến Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận…

Qua giám sát, Ủy ban Kinh tế nêu rõ, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo "bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia là nền tảng, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội", "phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng", đồng thời giao Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc "khẩn trương triển khai các cam kết quốc tế trong việc nghiên cứu ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hoà bình".

Cùng đó, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận và cam kết quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là với Nga và Nhật Bản về phát triển điện hạt nhân cũng như các ứng dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình khác.

Sau COP26, các nước tham gia đã công nhận điện hạt nhân là loại hình sản xuất điện sạch, không phát thải khí nhà kính, góp phần quan trọng trong việc giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Do đó, Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước, bảo đảm an ninh cho hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát, đặc biệt là bảo đảm nguồn phát nền cho nguồn điện tái tạo đang bùng nổ trong thời gian gần đây, theo lộ trình giảm phát thải tiến tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, điện hạt nhân là vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét trong quá trình phát triển ngành năng lượng nước ta giai đoạn tiếp theo.

Cơ quan giám sát cho rằng, việc lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, cẩn trọng, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém. Các địa điểm quy hoạch xây dựng các Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cũng đã trải qua quá trình nghiên cứu lâu dài, lựa chọn kỹ lưỡng, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe của quốc tế, đồng thời nhận được sự ủng hộ của chính quyền và Nhân dân địa phương.

Hiện nay, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mới được dừng thực hiện, nếu hủy bỏ sẽ ảnh hưởng đến khả năng phát triển điện hạt nhân trong tương lai, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quan hệ với các nước đối tác. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ Quy hoạch đối với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi cấp có thẩm quyền có quyết định chính thức về vấn đề này.

Trong thời gian chờ chủ trương chính thức về phát triển điện hạt nhân, Ủy ban đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt "Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí trước đây quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2", có điều chỉnh phạm vi, mục tiêu, nội dung của Đề án cũ theo hướng phù hợp, trong đó: cho phép cải tạo, chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, người dân được cải tạo, xây dựng mới nhà ở với các chỉ tiêu quy hoạch phù hợp với các quy định của các đồ án quy hoạch được phê duyệt; quan tâm đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, an sinh xã hội một cách đồng bộ, kết nối, liên thông với khu vực xung quanh và lân cận; không được xây dựng công trình kiên cố để bảo đảm khả năng sẵn sàng thực hiện chủ trương của các cấp có thẩm quyền về lâu dài.

Sau khi Đề án được phê duyệt, đề nghị Chính phủ bố trí bổ sung từ nguồn vốn ngân sách Trung ương còn lại chưa phân bổ trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hoặc từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2021, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo Khánh Phương

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên