MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Giao thông vận tải không phát hiện có tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong quyết định chủ trương đầu tư, vị trí trạm thu giá dự án BOT

Cử tri TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Long An đề nghị Quốc hội, Chính phủ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ, đặt trạm BOT, làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý các cơ quan, đơn vị, cá nhân nếu để xảy ra sai phạm.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội khẳng định, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan hữu quan, các địa phương triển khai thực hiện, giải quyết các vướng mắc, bức xúc, tồn tại trong thực tế triển khai các dự án BOT. Ngoài ra, các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước cũng tham gia rất tích cực để góp phần hạn chế vi phạm. Những nội dung này đều được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để theo dõi và kịp thời đôn đốc.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cũng đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về những vấn đề liên quan đến BOT. Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 21/10/2017 khẳng định: "Việc thực hiện chủ trương huy động nguồn lực xã hội, trong đó có hình thức hợp đồng BOT là đúng đắn, giúp giảm bớt gánh nặng của ngân sách nhà nước".

Một số tồn tại trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án BOT đã được UBTV Quốc hội chỉ ra, nhưng không phát hiện có tham nhũng, lãng phí hoặc sai phạm trong quyết định chủ trương đầu tư, vị trí trạm thu giá.

Bộ GTVT cho biết, đang chỉ đạo rà soát, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ trong phạm vi cả nước. Các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức BOT sẽ chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu. Do vậy, trong thời gian tới, việc tiếp tục thực hiện nâng cấp, sửa chữa các tuyến quốc lộ hiện hữu sẽ được sử dụng vốn từ nguồn ngân sách hoặc quỹ bảo trì đường bộ.

Đồng thời, Bộ GTVT đã đưa vào hoạt động chính thức trang thông tin điện tử công bố thông tin chi tiết về các dự án PPP tại địa chỉ ppp.mt.gov.vn để tăng cường tính công khai, minh bạch, thuận tiện cho người dân và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát, tìm hiểu thông tin về dự án thực hiện theo hình thức PPP do Bộ GTVT là Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chính phủ phải báo cáo tình hình thực hiện dự án sân bay Long Thành hàng năm

Việc triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một nội dung nhận được sự quan tâm của cử tri. Cử tri TP. Hà Nội đã gửi kiến nghị, giám sát chặt chẽ việc thực hiện dự án đảm bảo thực hiện đúng tiến độ. Trong khi đó, cử tri tỉnh An Giang đề nghị Quốc hội kiểm tra, giám sat chặt chẽ, kịp thời việc triển khai dự án sân bay Long Thành để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, hạn chế lãng phí xảy ra.

Theo Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các nghị quyết của Quốc hội luôn đặt ra nhiệm vụ và yêu cầu Chính phủ chỉ đạo công tác thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả đầu tư; chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình đầu tư.

Để tăng cường công tác giám sát việc thực hiện dự án, Quốc hội yêu cầu Chính phủ hàng năm phải báo cáo tình hình thực hiện, đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nhằm đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ cũng như góp phần ổn định cuộc sống cho người dân có đất thu hồi trong vùng dự án, ngày 19/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38 về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thành Dự án thành phần. Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 53 về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Ủy ban Kinh tế khẳng định, với chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát, góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

DQ

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên