Vải thiều mất mùa, doanh nghiệp giảm sản lượng xuất khẩu
Trước thực trạng cây vải thiều không ra hoa, đậu quả, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ dám ký nhận cung cấp cho đối tác nước ngoài 20% sản lượng dự kiến trước đó.
- 02-05-2024Mùa vải buồn ở Bắc Giang, mất nghìn tỷ đồng vì cây ‘chột’ hoa
- 31-03-2024"Thủ phủ" vải thiều lớn nhất Việt Nam lo mất mùa, sản lượng giảm mạnh
- 28-03-2024Người trồng vải thiều ở Bắc Giang lo mất mùa
Video: Cây không ra trái, nông dân thủ phủ vải thiều 'ngồi trên lửa'
“Mót” từng quả vải
Nhiều vườn vải tại tỉnh Bắc Giang gần như trong tình trạng mất trắng, không có quả để thu hoạch. Cũng vì thế, nhiều chủ vườn “buông xuôi”, bỏ vườn không chăm sóc, mùa vải Bắc Giang cũng vì vậy mà khó càng thêm khó, sản lượng thu hoạch được dự báo thấp nhất trong lịch sử.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu cho biết, công ty của ông vừa phải gửi thư cho các đối tác quốc tế, thông báo việc chỉ có thể phân phối khoảng 20% sản lượng vải thiều theo hợp đồng đã ký trước đó.
Theo ông Hưng, kế hoạch lúc đầu, công ty dự định thu mua khoảng 2.000 tấn vải để xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm từ quả vải. Thế nhưng hiện nay, kế hoạch đã phải thay đổi, cố gắng đạt được mức thu mua 500 tấn. Tuy nhiên, ông Hưng lo rằng con số mong muốn dù đã giảm tới 1/4 nhưng cũng chưa chắc đã thực hiện được.
“Theo khảo sát của chúng tôi, những vườn mà sản lượng năm ngoái đạt khoảng 300 tấn thì năm nay dự kiến chỉ thu được khoảng 10 tấn. Như vậy thì để đạt được sản lượng mình mong muốn là rất khó, hiện tại nhiều người đã bỏ vườn không chăm sóc, đến lúc có quả thu được bao nhiêu thì thu. Trong khoảng 10 năm làm xuất khẩu quả vải thiều, chưa bao giờ chúng tôi thấy tình trạng mất mùa nghiêm trọng như thế này. Có thể gọi là lịch sử đấy”, ông Hưng nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo Công ty Toàn Cầu cho biết thêm, các hợp đồng về sản lượng xuất khẩu đều đã ký với đối tác từ trước, giá cả và sản lượng đành phải phụ thuộc vào thị trường, không bên nào quyết định được.
Do đó, trong bối cảnh sản lượng giảm mạnh, ông Hưng hy vọng giá thu mua sẽ tăng cao để có thể bù đắp một phần doanh thu theo kế hoạch.
“Hiện tại, không bên nào biết được hay dự đoán được giá cả, sản lượng lúc thu hoạch để làm việc với khách hàng. Chúng tôi thống nhất giá cả phụ thuộc vào thị trường. Bởi nếu bây giờ mình đồng ý với họ mức giá 30.000 đồng/kg, nhưng lúc đó giá lên tới 90.000 đồng/kg thì rất khó. Thôi thì năm nay đành trông chờ vào ông trời, nước lên đến đâu thì thuyền nổi đến đấy thôi”, ông Hưng phân tích.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Liên, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thanh Hải cho biết trên địa bàn xã Thanh Hải (huyện Lục Ngạn) hiện nay sản lượng vải giảm tới 80-90% so với năm ngoái, nhiều vườn gần như mất trắng, không có sản lượng.
“Năm 2023, gần 50 ha của HTX thu về hơn 400 tấn quả vải, nhưng năm nay chỉ được 10-20% so với chỗ đó. Nhiều doanh nghiệp đã đến ký hợp đồng hợp tác thu mua từ trước khi cây ra hoa nhưng hiện nay thấy cây không ra quả, mất mùa đành chấp nhận hủy bỏ hợp đồng không làm sao được”, ông Liên thông tin.
Theo ông Liên, trong vài chục năm trồng cây vải, đây là lần đầu tiên người dân xã Thanh Hải thấy hiện tượng cây vải không ra hoa như thế. Do đó, người dân cũng không có kinh nghiệm để xử lý hay khắc phục tình trạng này.
Hiện nay ông Liên đang vận động các hội viên không bỏ vườn, cố gắng chăm sóc những cây vải có hoa để mong được thêm ít nào hay ít ấy, đảm bảo có sản lượng giao cho khách hàng, giữ chân đối tác cho các năm sau.
Gian nan giữ sản lượng vải xuất ngoại
Theo ông Lưu Anh Đức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) huyện Lục Ngạn, cây vải thiều có mặt trên địa bàn này từ năm 1952 và được huyện khuyến khích duy trì.
Từ năm 2007 đến nay, 100% diện tích vải thiều được chính quyền địa phương hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, cũng từ đó, các mô hình trọng điểm phục vụ quả vải xuất khẩu cũng ra đời.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình được đào tạo, tập huấn để đạt tới tiêu chuẩn GlobalGap, nhằm nâng cao chất lượng quả vải đủ điều kiện xuất khẩu tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, châu Âu và Mỹ...
Những năm trước, khoảng 40% sản lượng được xuất khẩu, 60% tiêu thụ trong nước. Cũng có thời gian sản lượng xuất khẩu lên tới 60%, tiêu thụ trong nước chỉ 40%.
“Trong số vải xuất khẩu, phần lớn được xuất sang Trung Quốc, còn lại được xuất khẩu tới 38 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Trong đó, xuất sang nhật hơn 1.000 tấn. Còn các nước EU đi theo đường hàng hàng không, chi phí vận chuyển đẩy giá quả vải lên cao, các công ty kết nối với đối tác có đơn sẵn rồi mới giao hàng. Vì thế có những nơi chỉ xuất khẩu được vài tấn”, ông Đức nói.
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, năm 2024, toàn tỉnh tập trung chỉ đạo sản xuất 223 mã số vùng trồng vải thiều, diện tích 17.198 ha phục vụ xuất khẩu, sản lượng ước đạt 34.000 tấn xuất đi các thị trường.
“Từ đầu vụ đến nay, Sở đã tổ chức 8 buổi làm việc với các doanh nghiệp tham gia khảo sát các vùng sản xuất, chuẩn bị các điều kiện về sơ chế đóng gói, công nghệ bảo quản phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Mỹ, Canada, Úc, Eu, Nhật Bản, Thái Lan... Đến nay đã có 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân” , Sở NN&PTNT Bắc Giang cho biết.
Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết, hiện nay đã có các doanh nghiệp tới ký hợp đồng với người dân, cam kết thu mua sản phẩm, các doanh nghiệp này sẽ tự thực hiện đóng gói theo tiêu chuẩn của mình.
“Mặc dù năm nay sản lượng có thể ít nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo tất cả quả vải xuất khẩu đều đạt chất lượng. Thực tế, lượng vải xuất khẩu giảm mạnh sẽ ở thị trường Trung Quốc do quốc gia này thu mua số lượng lớn chiếm tới 90% sản lượng xuất khẩu, các nước khác số lượng xuất khẩu ít nên vẫn có thể đảm bảo sản lượng không bị giảm quá nhiều. Chất lượng quả vải vẫn phải như mọi năm thì mới có thể xuất khẩu được”, ông Tặng nhận định.
VTC News