MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn cần thêm “quyền” xử lý nợ xấu

13-07-2018 - 13:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngay từ đầu, khi xây dựng hợp đồng tín dụng, trong hợp đồng phải quy định rất rõ, khách hàng đi vay phải giao quyền tự chủ cho ngân hàng trong vấn đề xử lý tài sản thế chấp. Chứ không để như hiện nay mọi thứ nhùng nhằng do quy định chưa rõ ràng.


Theo đánh giá của LS-TS. Bùi Quang Tín - chuyên gia ngân hàng, việc Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu (XLNX) của Quốc hội cho phép các ngân hàng được thực hiện quyền thu giữ tài sản là một bước tiến bộ giúp quá trình XLNX được thuận lợi hơn. Nhưng thực tế, việc triển khai Nghị quyết 42 của các ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông đánh giá tình hình XLNX theo Nghị quyết 42 như thế nào?

Nghị quyết 42 ra đời có nhiều điểm mới hỗ trợ hệ thống ngân hàng giải quyết nợ xấu. Ví dụ như thủ tục tố tụng dân sự rút gọn, quyền thu giữ tài sản, trong quá trình các ngân hàng xuống thực hiện quyền thu giữ tài sản nhận được sự hỗ trợ của công an, chính quyền địa phương… Với những quy định mới trên, chắc chắn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong quá trình thu giữ và sau này là xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Thời gian qua các ngân hàng cũng đã triển khai thành công được việc thu giữ, xử lý tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, những trường hợp thành công không nhiều do các ngân hàng còn gặp nhiều khó khăn về thể chế.

Ông nói cụ thể hơn về những khó khăn đó ra sao?

Có một thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng thu giữ tài sản xong, nhưng khi tiến hành bán đấu giá thì khách hàng không chịu giá đó nên ngân hàng cũng bó tay. Ngay cả việc rút ngắn thủ tục giải quyết tranh chấp ở tòa chỉ nhanh chóng kéo ngắn thời gian tại các phiên tòa thôi.

Nhưng khúc mắc chính không hẳn ở tòa mà lại là ở khâu thi hành án. Bản án có hiệu lực nhưng không thể thi hành được khi con nợ không hợp tác và trở lại bài toán cũ trước đây. Đó là chưa nói đến vấn đề tính pháp lý của các hồ sơ tín dụng chưa đầy đủ đã làm cản trở nhiều quá trình XLNX của các ngân hàng hiện nay.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến bất cập trên?

Thực chất trong quyền sở hữu tài sản có 3 quyền: quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền chiếm hữu. Mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội giao quyền thu giữ cho ngân hàng, nhưng quyền thu giữ đó mới là quyền định đoạt thôi và chỉ là một trong 3 quyền sở hữu tài sản. Còn hai quyền khác có ý nghĩa rất quan trọng để đẩy nhanh việc xử lý tài sản đảm bảo để XLNX thì ngân hàng vẫn chưa được phép.

Đơn cử, ngân hàng thu giữ nhưng không có quyền sử dụng thì cũng không thể quyết định được tài sản thu giữ đó. Hay như quyền chiếm hữu, theo quy định Luật Dân sự 2015, người có quyền chiếm hữu được quyền thế chấp, bán, cầm cố, cho mượn… nên chỉ được giao quyền thu giữ tài sản trong Nghị quyết 42 chưa đủ để giúp cho ngân hàng có được quyền thực sự với tài sản của con nợ. Cho nên trong trường hợp con nợ không hợp tác thì ngân hàng cũng không giải quyết được.

Theo ông cách nào để giải quyết được những khúc mắc trên?

Tôi nghĩ rằng, ngay từ đầu, khi xây dựng hợp đồng tín dụng, trong hợp đồng phải quy định rất rõ, khách hàng đi vay phải giao quyền tự chủ cho ngân hàng trong vấn đề xử lý tài sản thế chấp. Chứ không để như hiện nay mọi thứ nhùng nhằng do quy định chưa rõ ràng.

Vấn đề đấu giá cũng cần được thực hiện công khai minh bạch, có quy định chặt chẽ, để khách hàng tin tưởng hơn vì họ thường lo ngại có tình trạng quân xanh -quân đỏ sẽ gây thiệt hại về giá cho mình. Nên nếu tổ chức suôn sẻ một số phiên đấu giá làm ví dụ điển hình, tôi nghĩ rằng, khách hàng sẽ hoàn toàn tin tưởng bàn giao tài sản để đấu giá. Việc tuyển chọn công ty đấu giá, ngoài các DN trong nước, hoặc có thể mời công ty nước ngoài tham gia. Ở nước ngoài có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này có thể giúp các DN Việt Nam học hỏi thêm đảm bảo phiên đấu giá hiệu quả.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng nên đánh giá thực chất về các khoản nợ xấu, nhất là nợ tiềm ẩn. Bản chất nợ tiềm ẩn khá nhiều rủi ro vì vậy cũng cần có cách ứng xử theo đúng với mức độ rủi ro của nó để giải quyết được hiệu quả nợ xấu. Hay nói cách khác, người bệnh muốn bác sĩ tìm đúng liều thuốc thì phải cung cấp thông tin đầy đủ thì bác sĩ mới chẩn đoán được đúng bệnh và đưa ra phác đồ điều trị đúng. Còn nếu người bệnh muốn che giấu bệnh thì làm sao mà chữa được.

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyên Vũ

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên