[Văn hóa doanh nghiệp] Google và văn hóa "kỷ niệm những thất bại" khiến nhân viên không thể tái phạm sai lầm cũ
“Nếu chúng ta không phạm phải những sai lầm như vậy, chúng ta đang không chấp nhận đủ rủi ro” - nhà sáng lập Larry Page.
Không những là một “Gã khổng lồ” trong làng công nghệ, Google còn luôn tự hào và tự xem mình là một trong những doanh nghiệp hàng đầu khi nói về văn hóa công ty, với những giá trị đặc biệt và hiếm có trong cách đối xử với nhân viên. Một trong số đó phải kể đến việc nhân viên ở Google luôn được công nhận và tán thưởng về những đóng góp dù là nhỏ nhất của họ.
Bất kỳ ai cũng có tâm lý muốn được cống hiến cho công ty – nơi mình làm việc. Và cũng vậy, bất cứ ai cũng mong muốn được công nhận những đóng góp tích cực của mình, được đồng nghiệp, được công ty ghi nhận. Và Google đã làm tốt điều đó bằng cách tán thưởng nhân viên bất kỳ lúc nào có thể dựa trên mức độ hoàn thành công việc của họ.
Khen thưởng nếu làm tốt công việc – điều này không quá đặc biệt, không chỉ Google mà rất nhiều doanh nghiệp đều thực hiện điều này. Tuy nhiên, ở Google còn một điều rất đặc biệt – đó là công ty cũng sẵn sàng đón nhận những thất bại và cùng nhau kỷ niệm những thất bại đó.
Theo nhà sáng lập Larry Page, một lần khi một nhân viên cấp cao của Google phạm sai lầm, khiến Google mất nhiều triệu đô, và khi nhân viên đó thông báo cho Larry Page, anh đã nói: “Nếu chúng ta không phạm phải những sai lầm như vậy, chúng ta đang không chấp nhận đủ rủi ro”.
Chính những cách tán thưởng đóng góp của nhân viên, cùng chấp nhận và kỷ niệm những thất bại của mình, Google đã cho thấy mình luôn là một "ông lớn" không chỉ về quy mô công ty mà còn là đi đầu trong văn hóa doanh nghiệp.
Google cũng thường xuyên tạo những bất ngờ cho nhân viên, khi một ngày đẹp trời nào đó, bỗng dưng được nhận một món quà từ công ty mà "chẳng nhân một dịp nào cả".
Không chỉ ở những hành động tán thưởng, khích lệ trong công việc, Google cũng rất chú trong đến môi trường làm việc của nhân viên. Những văn phòng làm việc của Google ở khắp nơi trên thế giới đều chứa đựng những điều đặc biệt, và, chắc chắn sẽ gây hứng thú cho bất cứ người nào bởi sự độc đáo, tiện ích và thân thiện của nó.
Văn phòng của Google tại Zurich, Thụy Sỹ được thiết kế như một đường hầm dưới lòng đất với đường trượt từ trên xuống dưới, thậm chí, có thể “trượt theo cột” để xuống các tầng khác nếu muốn; với những bữa ăn miễn phí, khu vui chơi giải trí với nhiều trò, kể cả những phòng karaoke phục vụ những “tín đồ” âm nhạc…
Trong khi đó, trên sân thượng tòa nhà Google tại Torronto, Canada có hẳn một mô hình mini của sân Golf để nhân viên thư giãn; còn có một chiếc xe cổ hiệu Citrone 2CV lại được đặt tại văn phòng Google ở Paris. Trong khi đó, trong văn phòng ở Singapore lại đặt một chiếc xe tuk-tuk của Thái Lan. Đây là một điểm nhấn thú vị về nội thất, nhưng đôi khi hàng ghế sau chiếc xe tuk-tuk này được dùng như là nơi tiến hành các cuộc họp nhóm - theo lời Giám đốc truyền thông Myriam Boubill.
Những "phòng làm việc" dành cho nhân viên những lúc cần chỗ yên tĩnh tại Zurich, Thụy Sỹ.
Google không tiếc chi phí cho những khoản đầu tư vào các thiết bị, tiện nghi giải trí cho văn phòng, để nhân viên làm việc tại hãng có thể tự do sử dụng vào bất cứ lúc nào, như phòng “luyện giọng” dành cho những người ham mê ca hát, máy chơi game, bể bơi hay những dịch vụ mát-xa...
Các văn phòng khác nhau của Google trên khắp thế giới nổi tiếng với những khu vực ăn uống miễn phí cho nhân viên được thiết kế công phu, với nội thất kiểu địa phương và dễ dàng tiếp cận những tiện nghi vào những lúc giải trí.
Một thông lệ, thứ Sáu hàng tuần, Google họp toàn công ty. Trong cuộc họp này, nhân viên có thể hỏi các thành viên sáng lập và các sếp cao nhất của Google về mọi vấn đề. Bia và rượu vang được phục vụ không giới hạn trong các cuộc họp này.
“Văn hóa của Google không phải là ở sự xa xỉ hay những điều gì đó tương tự”, Julian Persaud, lãnh đạo khu vực Đông Nam Á của Google, trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal. “Nhìn bề ngoài, nhiều giám đốc tài chính thấy những thứ như thế này là lãng phí, tôi khẳng định họ sẽ cho là như vậy”.
Để làm giàu kinh nghiệm phát triển văn hóa doanh nghiệp, kính mời quý độc giả đóng góp bài về địa chỉ email: vanhoadoanhnghiep@cafef.vn với tiêu đề mail [Văn hóa doanh nghiệp] + Tên doanh nghiệp+ Tiêu đề bài viết. Chúng tôi sẽ chọn lọc những bài chia sẻ hay để lan tỏa ra cộng đồng. Bài viết được đăng tải sẽ được nhận nhuận bút từ chương trình.
Trí Thức Trẻ
- "Còng tay bạc" của Huawei: Khi mọi nhân viên đều nắm cổ phần công ty, ai ai cũng sẽ làm việc như ông chủ đích thực
- Đừng ngạc nhiên khi thấy CEO Mai Linh chạy xe ôm, không thiếu CEO công nghệ từ lâu nay đã sáng chạy xe ôm, tối làm giúp việc...
- Làm việc với sếp nhỏ tuổi hơn - khó hay dễ?
- Những vị sếp ưa áp đặt sẽ tạo "sóng ngầm" bất mãn âm ỉ trong nhân viên, nó sẽ bào mòn dần cả tập thể hoặc chờ thời cơ bùng lên đốt cháy tất cả!
- Khi văn hóa khởi nghiệp "trong mơ" bị áp lực đầu tư bóp nát, vì lợi nhuận mà sa thải nhân viên bị bệnh và cả những “bà bầu”