MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vấn nạn thực phẩm bẩn là một trong những "trận chiến" lớn

18-01-2018 - 15:47 PM | Thị trường

Chủ trì buổi tọa đàm "Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp", Luật sư Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, vấn nạn thực phẩm bẩn đã được Quốc hội đánh giá là một trong những "trận chiến" lớn của nước ta.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Dũng – Phó Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp cho biết, an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, được tiếp cận với thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi con người. 

Vệ sinh an toàn thực phẩm tại nước ta hiện đang gây nên nhiều lo lắng cho người dân. Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Mùa lễ hội năm 2018 đã cận kề, lợi dụng thời điểm nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân tăng cao, các đối tượng buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, đưa các sản phẩm kém chất lượng ra thị trường. Vì thế, rất nhiều các vụ ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong đã xảy ra. 

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế chia sẻ, qua thực tế kiểm tra cho thấy, nếu an toàn thực phẩm vẫn còn những cơ sở nhỏ lẻ thì việc không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra. Một số địa phương đã làm được bước đầu về ô nhiễm môi trường nhưng an toàn thực phẩm thì chưa.

Vấn nạn thực phẩm bẩn là một trong những trận chiến lớn - Ảnh 1.

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế. Nguồn DĐDN

Vấn đề an toàn thực phẩm ngoài bản thân trách nhiệm người sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc nếu không có địa phương vào cuộc thì không thể nào giám sát được.

Theo bà Nga, "Việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm. Bởi muốn làm được thì ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát thì mới truy xuất và thu hồi được. Nhưng do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên kiểm soát rất khó khăn. Trong khuôn khổ toạ đàm hôm nay, rất mong các doanh nghiệp có mặt đưa ra được những sáng kiến, giải pháp và Bộ y tế sẽ xem xét để thực hiện làm sao để vấn đề an toàn thực phẩm được tốt hơn".

Từ góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết,đánh giá nghị quyết của quốc hội là chính xác tuy nhiên việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đúng mức.

Vấn nạn thực phẩm bẩn là một trong những trận chiến lớn - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Nguồn: DĐDN

Theo đó, cần tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường. Kiểm soát được chuỗi thì chúng ta có thể có cơ sở để truy xuất nguồn gốc.

Ông Hồ Quang Thái - Chánh Văn phòng Quỹ Chống hàng giả cho biết, thực trạng thực phẩm bẩn đang gây bức xúc dư luận. Nhất là khi đi chợ, siêu thị mua thực phẩm, người tiêu dùng băn khoăn không biết dùng loại thực phẩm nào. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi tình trạng thực phẩm bẩn đang tràn lan trên thị trường.

Hiện nay cơ sở để căn cứ xác định hàng giả là vô cùng khó khăn chẳng thế mà 6 năm vừa rồi mới chỉ khởi tố được một vụ về VSATTP. Muốn xác định được hàng giả thì trên tay phải có hàng thật để so sánh và có đơn khởi kiện của doanh nghiệp thì cơ quan quản lý mới có cơ sở để xử lý. Chưa kể hành lang pháp lý chưa đủ mạnh.

Theo Bộ Y tế, trong 11 tháng đầu năm 2017, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3,869 người mắc, 3700 người đi viện và 24 trường hợp tử vọng. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 27 vụ, giảm 438 người mắc tuy nhiên số người tử vong tăng lên 12 người.  

Bộ Y tế cũng cho biết, trong năm 2017, cả nước đã thành lập trên 23.400 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP). Các đoàn này tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở. Kết quả đã phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm, xử lý 32.579 cơ sở, trong đó 19.208 cơ sở bị phạt trên 61 tỷ đồng, 611 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, trên 5.000 cơ sở phải tiêu hủy sản phẩm.

Trương Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên