MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vàng - USD những ngày khác lạ: Đầu cơ hết đường kiếm ăn

12-05-2017 - 08:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Hai thị trường có quy mô hàng chục tỷ USD đang diễn biến lặng sóng khác lạ bất chấp trên thế giới đang biến động rất mạnh.

Diễn biến trái chiều

Trái với hàng loạt các dự báo cho rằng đồng VND chịu áp lực lớn ngay từ đầu năm 2017, tỷ giá USD/VND đã có diễn biến lặng sóng trong hơn 4 tháng đầu năm. Tính đến ngày 11/5, tỷ giá USD /VND tại Vietcombank mua vào và bán ra tương ứng ở mức 22.685 và 22.755 đồng/USD, giảm khoảng 0,15% so với đầu năm.

Trên thị trường tự do, đồng USD còn giảm mạnh hơn, giảm khoảng 1,5% và hiện đang ở xung quanh mức: 22.760 đồng (mua) và 22.780 đồng (bán), so với mức 23.150 đồng/USD cuối 2016 Trong suốt hơn 4 tháng đầu năm, thị trường ngoại tệ ngân hàng và chợ đen hầu như không có biến động lớn, ổn định và theo chiều hướng đi xuống.

Đây là một hiện tượng khá hiếm gặp ở thị trường ngoại hối Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới liên tục được dự báo tăng theo kế hoạch và các tín hiệu tăng lãi suất từ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và cơ quan quản lý trong nước không phải dùng đến các biện pháp can thiệp hành chính.


Tỷ giá USD/VND ổn định trong hơn 4 tháng đầu năm.

Tỷ giá USD/VND ổn định trong hơn 4 tháng đầu năm.

Diễn biến lặng sóng của tỷ giá USD /VND trong hệ thống các ngân hàng thương mại và thị trường tự do càng trở nên khó hiểu khi mà tỷ giá điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - cơ quan điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối - liên tục tăng và lập liên tiếp nhiều kỷ lục cao mới.

Tính đến ngày 11/5, tỷ giá trung tâm do NHNN công bố đã lên tới 22.377 đồng/USD, cao hơn tròn 1% so với đầu năm. Đây là kỷ lục cao thứ 4 liên tiếp chỉ riêng trong tuần đầu tháng 5.

Giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN cũng được “thả” gần hết cỡ theo biên độ +3% hiện tại lên 23.028 đồng/USD (chỉ thấp hơn giá trần cho phép 20 đồng).

Với khoảng chênh lệch giữa tỷ giá giao dịch thực tế trên thị trường và trần cho phép ở mức hơn 290 đồng như hiện tại, NHNN có lẽ không phải bán ra USD dự trữ, thậm chí còn có thể mua vào. Mức dự trữ ngoại hối kỷ lục hơn 40 tỷ USD hồi cuối 2016 có thể đã bị phá vỡ.

Giống như thị trường ngoại hối, thị trường vàng trong nước cũng lặng sóng khác thường. Giá vàng liên tục đi xuống, không có một đợt sốt giá nào (ngoại trừ 1-2 phiên ngày lễ Thần Tài đầu năm), giao dịch trầm lắng, đa số đầu tư tham gia thị trường là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, không còn làn sóng gom vàng số lượng lớn.

Một thị trường vàng rất lớn với khối lượng vàng nằm trong dân ước tính lên tới 500 tấn (trị giá gần 20 tỷ USD) lặng sóng.

Chủ động giải phóng áp lực

Sự ổn định của tỷ giá USD/VND cũng như thị trường vàng là một kết quả đáng mừng đối với thị trường tài chính trong nước. Nó giúp các doanh nghiệp dễ dàng trong việc hoạch định các kế hoạch kinh doanh, giảm lo lắng về một đồng tiền mất giá, về lãi suất có thể tăng cao…

Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP chứng khoán Trí Việt (TVB) cho rằng, động thái nâng đều tỷ giá trung tâm suốt từ đầu năm tới giờ là một cách thức điều hành chủ động với mục tiêu đã vạch ra sẵn.


Các chính sách ngoại hối được đánh giá hợp lý.

Các chính sách ngoại hối được đánh giá hợp lý.

Theo đó, NHNN đã rất chủ động với mục tiêu và định hướng có sẵn. Đó là mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm 2017 ở mức 4% trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới được dự báo tăng khi mà Fed dự kiến sẽ còn tăng lãi suất thêm 2-3 lần (mỗi lần khoảng 25 điểm phần trăm) trong năm nay và thêm khoảng 3 lần trong 2018.

Trên thực tế, sức cầu USD trong hơn 4 tháng đầu năm không có đột biến. Trên thị trường cũng không xuất hiện hiện tượng đổ xô đầu cơ tích trữ USD.

Theo một chuyên gia tài chính, giống như 2016, trong những tháng đầu năm nay, thị trường ngoại hối yên ắng, tỷ giá không những tăng mà còn giảm, tình trạng sốt đôla không còn là nhờ các chính sách linh hoạt của NHNN. Chính sách ổn định khiến các “tay to” không dám và không có cơ hội hợp tác đầu cơ đẩy giá đồng USD.

Sự chủ động “thả” tỷ giá để thị trường phản ứng linh hoạt hơn và NHNN sẵn sàng can thiệp khi có dấu hiệu đầu cơ đã góp phần giúp thị trường ngoại hối ổn định, tránh tình trạng đầu cơ và tâm lý găm giữ bầy đàn.

Theo ông Trí, việc nâng dần tỷ giá trung tâm giúp giảm áp lực dồn nén, thường thấy vào thời điểm cuối năm hoặc đầu năm mới như trong các năm trước đây. Tâm lý doanh nghiệp, người dân ổn định, dự trữ ngoại hối lớn và sự dè chừng của các tổ chức… khiến đồng USD không có những biến động lớn không liên quan tới cung cầu.

Ở chiều ngược lại, nhiều chuyên gia và một số CTCK lo ngại, tỷ giá USD/VND sẽ chịu áp lực lớn trong năm 2017 do những biến động khó lường trên thị trường tài chính thế giới, trong đó có khả năng Mỹ có thể tăng lãi suất nhanh hơn dự tính của thị trường.

Trong một báo cáo gần đây, đại diện Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, bên cạnh áp lực từ Fed, tỷ giá còn chịu áp lực khi mà nguồn tiền ODA được dự báo sẽ suy giảm dần, bắt đầu từ tháng 7 tới, khi mà Việt Nam không còn nằm trong diện được ưu tiên vay vốn.

Mặc dù vậy, theo ông Lê Quang Trí, “mọi sự vẫn đang trong tầm kiểm soát tốt”. NHNN hiện có nguồn lực lớn hơn, chính sách hợp lý hơn và có những phân tích, đánh giá và dự báo sát hơn nên có thể sẽ điều hành thị trường ngoại hối tốt như năm 2016 vừa qua.

Theo M. Hà

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên