Vật chưa đến 1mm từng làm Trung Quốc 'mất ăn mất ngủ': Thủ tướng phiền lòng, ra tuyên bố dậy sóng cả ngành công nghiệp
Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường không hài lòng khi Trung Quốc chưa thể làm được cây bút bi hoàn hảo. Ảnh: AFP
Mặc dù là công xưởng của thế giới - nơi sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cho thị trường toàn cầu nhưng Trung Quốc lại đối diện với một thực tế phũ phàng.
- 16-04-2023Tổng thống Biden sẽ sớm xác nhận chiến dịch tái tranh cử
- 16-04-2023Nỗi buồn kho báu Malagana
- 16-04-2023Hai nước đông dân nhất thế giới đã giải cứu dầu Nga và vô hiệu hóa lệnh trừng phạt của phương Tây như thế nào?
Thực tế phũ phàng
Theo dữ liệu từ Liên đoàn Công nghiệp Máy móc Trung Quốc, trong 8 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã ghi nhận mức thăng dư thương mại lên tới hơn 100 tỷ USD trong lĩnh vực thiết bị kỹ thuật.
Những bước tiến trong năng lực sản xuất của Trung Quốc thể hiện rõ nhất ở số lượng tàu chiến, máy bay chiến đấu và vũ khí tiên tiến nội địa đã được triển khai cho quân đội nước này trong những năm qua.
Thế nhưng, theo tờ Asia Times, có một thực tế phũ phàng vẫn luôn đeo bám Trung Quốc: Với tư cách là công xưởng của thế giới, nơi sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cho thị trường toàn cầu, Trung Quốc vẫn phụ thộc đáng kể vào việc nhập khẩu nhiều sản phẩm khác, trong đó có cả các mặt hàng “công nghệ thấp” như bu lông và đầu bút bi.
Theo báo China Daily (Trung Quốc), nước này sản xuất 38 tỷ chiếc bút bi mỗi năm, chiếm khoảng 80% tổng số bút bi trên thế giới. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không thể sản xuất phiên bản chất lượng cao của đầu bút bi – phần quan trọng nhất trong chiếc bút.
Tờ Washington Post (Mỹ) cho hay, việc sản xuất đầu bút bi chất lượng tốt đòi hỏi máy móc có độ chính xác cao và thép siêu mỏng. Công đoạn sản xuất viên bi sắt xoay tròn có thể viết được một cách thoải mái trong thời gian dài không phải là điều đơn giản.
Độ chính xác gia công là 1/1000 mm. Sai số không được phép vượt quá 0,003 mm. Nguyên liệu dùng để sản xuất viên bi này phải là loại đặc biệt - Tungsten carbide có độ cứng gấp đôi thép thường. Vì vậy, đây còn còn được mệnh danh là một trong những chi tiết khó làm ra nhất trên thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc vốn tụt hậu so với Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ… về công nghệ máy tiện gia công kim loại chính xác cao. Ngoài ra, nước này không có khả năng sản xuất vật liệu thép chất lượng cao nhất.
Có hơn 3.000 công ty sản xuất bút bi ở Trung Quốc, nhưng không công ty nào có công nghệ cao cấp dành riêng cho đầu bút. Thay vào đó, khoảng 90% đầu bút bi và ống mực được nhập khẩu. Thực trạng này đã khiến ngành công nghiệp Trung Quốc tiêu tốn 17,3 triệu USD mỗi năm.
Thủ Tướng phiền lòng
Việc Trung Quốc không thể sản xuất một cây bút bi hoàn chỉnh, chất lượng cao đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi vào năm 2015.
Tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh, ông Lý Khắc Cường - Thủ tướng Trung Quốc khi đó - đã nói về bút bi Trung Quốc và lưu ý rằng, chữ viết của ông “rất thô” khi sử dụng bút bi sản xuất trong nước.
Trên cương vị Thủ tướng, ông thấy đây là dấu hiệu cho thấy điểm yếu còn tồn tại của nền kinh tế nước này.
“Đó là tình hình thực tế mà chúng ta phải đối mặt”, ông Lý nhấn mạnh, “Chúng ta chưa thể tạo ra những chiếc bút bi có khả năng viết trơn tru”.
Trong một sự kiện đầu năm 2016, cựu Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa đề cập tới vấn đề nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không thể sản xuất được đầu bút bi.
Ông Lý nói: "Mặc dù đang chịu đựng tình trạng dư thừa trong ngành công nghiệp thép, chúng ta vẫn không sở hữu khả năng luyện ra loại thép có thể dùng chế tác viên bi dùng cho bút bi. Chúng ta vẫn phải nhập khẩu chúng".
Những bình luận của ông Lý Khắc Cường đã gây ra sự kinh ngạc lớn trong ngành công nghiệp bút bi Trung Quốc, bởi thông thường, ngành này không phải là tâm điểm hay được nhắc tới trong các cuộc thảo luận chính trị trọng điểm.
Các công ty Trung Quốc từng rất vui mừng khi sản xuất được những chiếc bút, dù kém chất lượng, nhưng vẫn được xuất khẩu ra nước ngoài dưới dạng hàng nhái rẻ tiền của những thương hiệu cao cấp hơn. Song giờ đây, họ nhận ra rằng mình đang được kỳ vọng làm tốt hơn thế.
Ngày 21/1/2016, tạp chí Kinh tế Hồng Kông tuyên bố: “Ngày mà Trung Quốc có thể sản xuất được một chiếc bút bi tự chế 100% sẽ là ngày nước này thực sự xứng đáng là một cường quốc công nghiệp hạng nhất”.
Có thực sự là bước tiến cần thiết?
Theo Washington Post, những lời nhắc nhở của ông Lý Khắc Cường dường như đã có tác động mạnh tới ngành sản xuất bút bi Trung Quốc. Tháng 1/2017, Tập đoàn Sắt thép Thái Nguyên (TISCO) của Trung Quốc tuyên bố họ đã sản xuất thành công đầu bút bi sử dụng hoàn toàn nguyên vật liệu trong nước, dự kiến sẽ thay thế hàng nhập khẩu trong vòng 2 năm sau đó.
Tờ Beijing Review cho hay, đầu bút bi làm bằng thép Trung Quốc được cho là có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu, dự kiến sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của nước này vào hàng nước ngoài.
Nhiều người Trung Quốc đã cổ vũ chiến thắng của TISCO, coi đây là một bước tiến hữu hình cho ngành sản xuất và công nghiệp thép trong nước.
Tuy nhiên, một số người khác thì cảm thấy bước phát triển này không nên được kết nối với sự tiến bộ của ngành sản xuất Trung Quốc. Theo quan điểm này, các công ty ở Trung Quốc không sản xuất đầu bút bi bởi đây không phải là sản phẩm sinh lợi và hơn nữa, trong thời đại toàn cầu hóa, việc tự sản xuất mọi bộ phận là không cần thiết.
Chuyên gia Adam Minter của tờ Bloomberg cho rằng, về cơ bản, Trung Quốc đang thay thế sự độc quyền này bằng sự độc quyền khác. Tiêu chuẩn của TISCO có thể sẽ dẫn tới sự độc quyền trong lĩnh vực sản xuất/phân phối đầu bút bi ở thị trường nội địa Trung Quốc trong tương lai.
Nhịp sống thị trường