VCSC: HDBank hưởng lợi dài hạn từ hệ sinh thái, thu dịch vụ còn dư địa lớn
Chuyên gia đánh giá HDBank sẽ được hưởng lợi dài hạn về thu dịch vụ từ hợp tác với các đơn vị trong hệ sinh thái cùng tỷ trọng cao khách hàng bán lẻ, SME. Lợi nhuận năm 2021 dự báo tăng 32% vượt 7.600 tỷ đồng.
Tuần trước, HDBank đã công bố ký hợp đồng khung hợp tác phát triển sản phẩm, dịch vụ với một loạt đơn vị thành viên trong Tập đoàn Sovico, gồm hãng hàng không Vietjet, Công ty TNHH bảo hiểm HD và công ty TNHH GalaxyOne Ltd.
Theo nhận định của công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), thỏa thuận hợp tác với GalaxyOne – một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ số sẽ giúp HDBank đẩy nhanh chiến lược chuyển đổi số. "Trong dài hạn, các mối quan hệ hợp tác này có tiềm năng giúp thu nhập phí từ bancassurance, dịch vụ thanh toán tăng trưởng cao đồng thời thúc đẩy sự phát triển của mảng bán lẻ", VCSC nhận định.
Trong 6 tháng đầu năm, thu thuần từ dịch vụ (bao gồm thu nhập kinh doanh ngoại tệ) của HDBank tăng tới 169% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 69% dự báo của VCSC cho cả năm 2021. Do vậy trong báo cáo phát hành ngày 30/8, VCSC đã nâng dự báo thu thuần từ dịch vụ của HDBank thêm 14% lên 1.535 tỷ đồng, thay cho mức 1.347 tỷ đồng đưa ra trước đó.
"HDB có tỷ trọng cho vay khách hàng SME lớn nhất trong số các ngân hàng chúng tôi theo dõi, đạt 51% cuối năm 2020. Chúng tôi tin rằng HDB còn dư địa lớn để gia tăng thu nhập dịch vụ. Ngân hàng có nền tảng vốn mạnh và sẵn sàng nắm bắt cơ hội tăng trưởng cao trong nhiều năm tới", báo cáo viết.
Đối với hoạt động tín dụng, VCSC nhận định Ngân hàng quản trị tốt chất lượng tài sản đồng thời dư nợ được cơ cấu theo thông tư 01 giảm mạnh so với quý 1/2021. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tại 30/6/2021 là 0,84% giảm 28 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ nợ nhóm 2 của ngân hàng hợp nhất và tỷ lệ lãi dự thu trên tài sản sinh lãi đều trong xu hướng giảm, cho thấy chất lượng tài sản được duy trì tốt. Nợ cơ cấu theo thông tư 01 tại cuối quý 2/2021 giảm 78% so với quý 1, còn 989 tỷ đồng. Với số dư này, Ngân hàng ước tính chi phí dự phòng cụ thể cần trích lập theo Thông tư 03 trong năm nay chỉ khoảng 60 tỷ đồng. Do đó, VCSC điều chỉnh giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng năm 2021 còn 2.231 tỷ từ mức 2.344 tỷ đồng. Tỷ lệ chi phí dự phòng trên bình quân cho vay khách hàng sẽ ở mức 1,05%, hầu như không thay đổi so với năm trước.
Ứng phó tác động của đại dịch, HDBank đã chủ động giảm tỷ trọng cho vay các lĩnh vực chịu tác động lớn nhất như vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống. Đến cuối quý 2, tỷ trọng cho vay các ngành này chỉ còn chiếm 4,2% dư nợ, giảm từ mức 5% cuối quý 1.
VCSC dự báo tăng trưởng tín dụng hợp nhất năm nay của HDBank sẽ đạt 18,9%, thấp hơn mức tăng 25,6% được dự báo hồi đầu năm, chủ yếu do mảng cho vay tiêu dùng bị tác động của dịch Covid-19 và các biện pháp giãn cách xã hội. Dù vậy, mảng hoạt động này được kỳ vọng phục hồi từ quý 4 năm nay, trong đó sản phẩm thẻ tín dụng vừa được HD SAISON ra mắt sẽ có đóng góp tích cực.
"Đối với mảng tài chính tiêu dùng, HD SAISON là công ty có thị phần lớn thứ ba trong ngành, chiếm khoảng 12% tại cuối năm 2020 với quy mô dư nợ theo USD là 623 triệu. Việc công ty triển khai mảng thẻ tín dụng sẽ là một xúc tác mới cho đà tăng trưởng và chúng tôi cho rằng đóng góp của mảng này vào lợi nhuận có thể thấy rõ từ quý 4/2021", báo cáo viết.
Với các giả định nêu trên, thu nhập lãi thuần hợp nhất của HDBank năm 2021 sẽ đạt trên 14.300 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2020. Tổng thu nhập hoạt động dự kiến đạt khoảng 17.000 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế được dự báo vượt 7.600 tỷ đồng, tăng 32% so với năm trước và cao hơn kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 25% đã trình ĐHCĐ.
Lợi nhuận sau thuế và thu nhập trên cổ phiếu sẽ tăng lần lượt 31,8% và 29,7%. ROE dự báo đạt 20,7%. Do vậy VCSC dành cho cổ phiếu HDB của HDBank khuyến nghị Khả quan, với triển vọng tăng giá tích cực, khoảng hơn 20% từ mức giá đóng cửa phiên 31/8.
Nhịp sống kinh tế