MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Về hưu trước 1/1/2018: Không phải ai cũng được lợi

26-04-2017 - 08:54 AM | Xã hội

Nhiều người lo lắng về hưu sau năm 2018 sẽ bị thiệt thòi nên tìm cách lách luật để có thể nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên việc này thực sự có lợi hay không?

Từ năm 1/1/2018, cách tính tỷ lệ phần trăm lương hưu đối với người lao động có sự thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018. Nhiều người lo lắng, nếu về hưu sau năm 2018 sẽ bị thiệt thòi nên tìm cách "lách luật" để có thể nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, việc nghỉ hưu sớm trước ngày 1/1/2018 có lợi hay không?

Theo quy định tại Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) năm 2014, người lao động về hưu trước năm 2018 sẽ được tính lương hưu theo bình quân 5 năm cuối, do vậy mức lương sẽ cao hơn so với về hưu giai đoạn từ sau 1/1/2018. Cụ thể, người lao động về hưu trước ngày 1/1/2018, đồng thời đáp ứng các điều kiện là tham gia BHXH 15 năm, đủ điều kiện về hưu sẽ được tính lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm một năm thì được tính thêm 2% với nam và 3% với nữ. Mức hưởng tối đa bằng 75% tháng đóng BHXH.

Cách tính này khiến nhiều người hiểu rằng, nếu về hưu trước 1/1/2018 sẽ có lợi hơn, không bị trừ % vì về hưu trước tuổi. Đây cũng là lý do để nhiều người cho rằng, xin về hưu sớm sẽ “né” được quy định từ ngày 1/1/2018 sẽ tăng số năm đóng BHXH để hưởng lợi về lương hưu.

Bà Đinh Thu Hiền - Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHXH (BHXH VN) phân tích kỹ hơn: Việc điều chỉnh này chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng chứ không phải tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi đều bị giảm lương hưu. Trường hợp đủ điều kiện về tuổi đời mà chưa đủ số năm đóng BHXH để đạt tỷ lệ 75% thì khi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi đa số lao động nữ bị giảm tỷ lệ lương hưu so với hiện hành”.

Cùng chung lời khuyên người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định về hưu trước 1/1/2018, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, từ 1/1/2018, cách tính tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu có thay đổi so với nghỉ hưu trước năm 2018 nhưng chỉ tác động trực tiếp đến một số nhóm đối tượng chứ không ảnh hưởng tới tất cả các đối tượng hưởng lương hưu từ năm 2018 trở đi.

Cụ thể, nếu phụ nữ nghỉ sớm hơn sẽ bị thiệt. Bởi Luật BHXH 2014 quy định cách tính tỉ lệ phần trăm hưởng lương hưu như sau: Đủ 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng 45%, sau đó cứ mỗi năm đóng BHXH được tính bằng 2%, tối đa không quá 75%. Như vậy, để đạt tỉ lệ 75% lương hưu, lao động nữ phải có đủ 30 năm đóng BHXH (nghỉ hưu trước năm 2018, lao động nữ có đủ 25 năm đóng BHXH được hưởng tỉ lệ 75%). Vì vậy, phụ nữ nghỉ hưu trước năm 2018 sẽ có lợi hơn. Tuy nhiên, không phải đối tượng nào về hưu trước năm 2018 đều có lợi.

Đối với lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 thì phải có đủ 31 năm đóng BHXH thì mới đạt tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Như vậy lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 mà có thời gian đóng BHXH chưa đủ 31 năm thì không đạt tỷ lệ 75%.

Trường hợp nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định của Luật BHXH 2014 thì bị giảm trừ tỉ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi trừ 2%). Những nhóm không đủ điều kiện về tuổi đời và năm tham gia bảo hiểm xã hội, nếu về sớm thì không những thiệt đơn và còn thiệt kép.

Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích: “Mỗi một năm về sớm, người lao động sẽ bị trừ 2% thay vì 1% trước năm 2016. Nếu ở lại thêm 1 năm thì đương nhiên được tăng tận 4%, có nghĩa không bị trừ 2% mà còn được cộng thêm 2%. Đây là sự chia sẻ chung của nhà nước, của chủ sử dụng lao động và người lao động. Nếu chúng ta không phấn đấu cho chính sách bảo hiểm xã hội một cách an toàn thì tương lai lương hưu của chúng ta sau này sẽ bị tác động trực tiếp không phải hôm nay mà tác động cuối đời khi chúng ta về hưu”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Từ năm 2018, mức đóng BHXH được điều chỉnh trên cơ sở tổng thu nhập của người lao động nên lương hưu có thể được tính mức cao hơn. Tỷ lệ phần trăm lương hưu sẽ thấp khi nghỉ hưu sớm, thời gian đóng BHXH ít. Chẳng hạn, lao động nam đủ điều kiện nghỉ hưu năm 2017 do suy giảm sức khỏe (nam 52 tuổi, suy giảm sức khỏe 61%), có thời gian đóng BHXH 20 năm (mức thấp nhất đủ điều kiện hưởng lương hưu) thì tỷ lệ lương hưu chỉ là 39%.

Vì vậy, mỗi người khác nhau về tuổi đời, thời gian đóng BHXH, mức lương đóng BHXH, điều kiện làm việc, thời gian hưởng lương hưu khác nhau thì mức hưởng lương hưu khác nhau. Do đó, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn người nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi.

“Khi nghỉ hưu sớm sẽ bị giảm trừ tỷ lệ phần trăm và điều đó là điều mà bất kỳ ai khi tính toán việc nghỉ hưu cũng cần phải rất thận trọng. Hơn nữa, khi tham gia vào thị trường lao động, người lao động còn có những lợi ích khác, những lợi ích phi vật chất mà ai cũng biết. Chúng tôi cũng luôn dự kiến trước những tình huống xảy ra để đảm bảo nguồn lực tài chính để chi trả, đồng thời đảm bảo sự ổn định, cân bằng của Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ hưu trí” - ông Phạm Lương Sơn nói.

Xin nhắc lại để người lao động lưu ý, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo qui định của pháp luật lao động. Vì tiền lương đóng BHXH cao hơn nên lương hưu cao hơn. Trường hợp nếu nghỉ hưu mà chưa đủ tuổi đời theo quy định thì còn phải giảm trừ tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị trừ 2% thay vì 1%)./.

Theo Vũ Hạnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên