VEAM dành gần 7.000 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 52,52% cho năm 2019, trình tiếp kế hoạch niêm yết cổ phiếu lên HoSE
Trước đó năm 2019 VEAM đã thông qua việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE nhưng chưa thực hiện được.
Ngày 29/6 tới đây Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM – mã chứng khoán VEA) sẽ tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.
Kết quả kinh doanh năm 2019
VEAM là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, chi tiết chế tạo máy, kinh doanh thương mại và đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác trong các lĩnh vực động cơ và máy nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, ô tô, xe máy và kinh doanh khác.
Năm 2019 cũng là năm khó khăn của công ty khi chi nhánh ô tô của VEAM tiêu thụ hàng tồn kho Euro2 chậm trong khi việc tiêu thụ các dòng xe Euro4 còn hạn chế. Theo số liệu của VAMA, thị trường xe tải trong năm giảm 8% so với năm trước đó.
Kết quả kinh doanh, doanh thu thuần đạt 4.488 tỷ đồng, giảm 37% so với doanh thu thực hiện năm 2018, và lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt hơn 65 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ khoản doanh thu tài chính gần gấp 2,2 lần, lên 903 tỷ đồng nên tính chung cả năm, trừ các loại chi phí, VEAM báo lãi sau thuế hợp nhất 7.319 tỷ đồng, tăng 4% so với lợi nhuận đạt được năm 2018. Trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 7.280 tỷ đồng.
Chia cổ tức tỷ lệ 52,52%
Với kết quả đạt được, HĐQT công ty trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2019, trong đó dành hơn 6.979 tỷ đồng chia cổ tức tỷ lệ 52,52% cho cổ đông, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 5.252 đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2020
Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của nhiều ngành nghề. Kinh doanh ô tô cũng chưa có dấu hiệu khả quan. Do vậy VEAM đang tập trung tiêu thụ hàng tồn kho, hạn chế các sản phẩm mới đưa ra thị trường để giảm thiểu giá trị hàng tồn kho.
Bên cạnh đó doanh thu tài chính năm 2020 dự kiến thấp hơn năm 2019 do giảm lãi ngân hàng và tác động của dịch bệnh Covid-19. Do đó VEAM đặt mục tiêu doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty mẹ đạt gần 1.171 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2019. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế 6.741 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Niêm yết cổ phiếu
VEAM cũng trình Đại hội cổ đông thông qua việc niêm yết cổ phiếu. Trước đó Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 cũng đã thông qua việc niêm yết cổ phiếu VEA lên Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên công ty chưa thực hiện được do có yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong BCTC năm 2018 và 2019.
Để tiếp tục triển khai việc niêm yết, nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động và quản trị, tăng thanh khoản và nâng cao vị thế, thương hiệu cho công ty, VEAM trình Đại hội thông qua việc niêm yết cổ phiếu. Đồng thời ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục liên quan.
Nhịp sống kinh tế
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: KẾ HOẠCH KINH DOANH 2020
Xem tất cả >>- Gánh nặng lãi vay, Đạm Hà Bắc (DHB) đặt kế hoạch lỗ 1.132 tỷ đồng trong năm 2020
- Kinh Bắc City (KBC): Hai kịch bản kinh doanh năm 2020 với LNST khả quan từ 814 đến 1.000 tỷ đồng
- Dù ngành hàng không gặp khó, ACV đặt kế hoạch lãi 2.007 tỷ đồng năm 2020, riêng quý 1 đã hoàn thành 96% chỉ tiêu cả năm
- Masan Consumer (MCH): Kế hoạch lãi 4.600 tỷ đồng đến 4.900 tỷ đồng năm 2020
- Xi măng Bỉm Sơn (BCC): Kế hoạch lãi trước thuế 155 tỷ đồng năm 2020, trình phương án phát hành 13 triệu cổ phiếu trả cổ tức