MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VEPR: Thị trường BĐS quý 3 không có nhiều biến động lớn, phục hồi nhẹ

25-10-2016 - 15:03 PM | Bất động sản

Báo cáo kinh tế Việt Nam quý 3/2016 vừa được Viện nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) công bố, cho thấy thị trường BĐS Quý 3/2016 không có nhiều biến động lớn trên hầu hết các phân khúc. Thị trường phục hồi nhẹ sau khi chững lại trong nửa đầu năm 2016.

Nguồn cung thị trường văn phòng tại TP.HCM duy trì ổn định ở mức 1,7 triệu m2, theo số liệu của JLL. Trong khi đó, thêm một tòa nhà hạng B mới gia nhập giúp tổng nguồn cung tại Hà Nội tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trên thị trường nhà ở, khối lượng giao dịch tại cả TP.HCM và Hà Nội tăng dù lượng cung mới giảm so với quý trước.

Theo số liệu của JLL, trong cả quý chỉ có 8.438 căn hộ mới được chào bán tại TP.HCM, giảm 5,1% so với Quý 2. Tuy nhiên, lượng bán vẫn tăng trưởng tương đối ổn định ở mức 5% (theo quý) và đạt 8.133 căn. Tương tự tại Hà Nội, lượng căn hộ mở bán đạt 7.854 căn, giảm 5,6% so với Quý 2 và tăng 4,7% so với Q3/2015. Khối lượng giao dịch tăng ổn định so với quý trước cũng như cùng kỳ năm trước.

So với Quý 2, số căn hộ bán ra đã tăng 5,1%, đạt mức 8.015 căn (tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước).

"Chúng tôi cho rằng sự ổn định này phản ánh phần nào những chính sách gần đây của nhà điều hành trong việc kiểm soát nguồn tín dụng bất động sản. Đồng thời, xu hướng này cũng phù hợp với những khuyến nghị của chúng tôi khi cho rằng cần kiểm soát nguồn tín dụng dành cho bất động sản, tránh tình trạng phát triển nóng dẫn tới hình thành bong bóng", báo cáo của VEPR cho biết.

Về thu hút FDI, theo báo cáo của VEPR, lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam giảm nhẹ trong Quý 3. Vốn đăng ký mới đạt 3,67 tỷ USD trong Quý 3 và 11,17 tỷ USD cộng dồn chín tháng đầu năm. Lượng vốn đăng ký thêm và điều chỉnh đạt 5,27 tỷ USD, đưa tổng vốn FDI chín tháng đầu năm đạt 16,44 tỷ USD. Dù giảm về số lượng đăng ký, vốn giải ngân vẫn tăng nhẹ trong Quý 3, đạt 3,77 tỷ USD.

Xét theo ngành, công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là nhóm ngành thu hút lượng vốn đầu tư trực tiếp lớn nhất, chiếm 70,8% tổng vốn đăng ký cấp mới và đạt 7,9 tỷ USD. Tỷ lệ vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản giảm nhẹ so với năm 2015, chiếm 8,8% vốn đăng ký mới (2015: 10,5%).

Trong cáo cáo này, VEPR cũng đã đưa ra cảnh báo quan trọng, đó là lạm phát tiếp tục tăng trong những tháng cuối năm là không thể tránh khỏi, khi giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tại 16 tỉnh thành trong Quý 3. Giá năng lượng hồi phục trong khi giá lương thực thế giới vẫn là một ẩn số có thể tạo áp lực lên mặt bằng giá trong nước.

Trong khi đó, cung tiền vẫn đang được điều chỉnh tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2015. Những yếu tố này khiến lạm phát hoàn toàn có khả năng chạm mức mục tiêu 5% mà Quốc hội đã đặt ra.

Do vậy, VEPR vẫn giữ vững quan điểm cho rằng các cơ quan hoạch định chính sách cần thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ. Đặc biệt, cần linh động trong điều chỉnh kế hoạch tăng trưởng tín dụng trong Quý 4 và đầu năm 2017, trong trường hợp có thể gây rủi ro lạm phát.

Song song đó, nguồn huy động dồi dào trong khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức vừa phải tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất hạ nhiệt.

VEPR cho rằng đây là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thương mại có thể cắt giảm từng bước lãi suất cho vay, khi mà áp lực chạy đua lãi suất không còn diễn ra như những quý trước. Điều này kỳ vọng góp phần tạo ra một cú huých cho doanh nghiệp trong những quý tiếp theo, bên cạnh các nỗ lực hỗ trợ cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Như vậy, đà tăng trưởng trở lại của nền kinh tế có thể được củng cố vững chắc hơn.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên