Vị bác sỹ xây phòng khám giá rẻ, thực hiện những ca IVF dưới 80 triệu cho người thu nhập thấp: Nếu làm bình thường, tôi gần như không thể thu hồi vốn
“Chi phí IVF 100 triệu, 200 triệu đồng thì vợ chồng em không làm được!”, đã có nhiều cặp vợ chồng đến gặp Bs.Ths. Thân Trọng Thạch và dắt nhau ra về như thế!
- 07-10-2024Chân dung Blackstone – ‘Gã khổng lồ’ quản lý hơn 1.000 tỷ USD muốn đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
- 06-10-2024Bán nước ép hoa quả, mở gần 100 cửa hàng, lợi nhuận hàng chục tỷ/ năm: ‘Thật may vì khi khởi nghiệp tôi không nghĩ quá nhiều!’
- 05-10-2024Phúc Sinh nhận thêm 431.250 Euro vốn ESG từ Hà Lan, ông Phan Minh Thông nói về “sự trùng hợp không thể lý giải nổi”
Ngày nay, thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được xem phương pháp hiệu quả cho vấn đề hiếm muộn. Thế nhưng, việc trở thành một hiện tượng khiến nhiều người bắt đầu có cái nhìn không thiện cảm về IVF, đặc biệt là những thông tin bệnh nhân sử dụng IVF để chọn lọc phôi thai.
Ít ai biết, để có thể thành công trên con đường y tế này, Ths.BS Thân Trọng Thạch (SN 1982, Giảng viên bộ môn Sản, ĐH Y Dược TPHCM) đã mất 15 năm học tập và nghiên cứu. Ông từng ra nước ngoài với số tiền vay mượn từ người thân để bắt đầu hành trình hạn chế dị tật ở trẻ em, đồng thời giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn trong hành trình “đi tìm con".
Đến nay, ông là một số ít bác sĩ “mát tay” thành danh ở TPHCM, đã đồng hành thành công với hàng nghìn cặp bố mẹ, giúp ốm hàng nghìn đứa trẻ chào đời khỏe mạnh.
Nhiều năm trở lại đây, IVF đã dần trở nên phổ biến, là phương pháp hiệu quả cho vấn đề hiếm muộn của nhiều cặp vợ chồng. Nhưng vào những năm 2000, IVF là một phạm trù y tế vô cùng mới mẻ tại Việt Nam. Khi ấy, điều gì khiến ông quyết định theo đuổi nó?
Đúng như bạn nói, lúc đó hiếm muộn vô cùng mới mẻ! Thậm chí, nó còn không nằm trong chương trình dạy của đại học, sau đại học lẫn học lên tiến sĩ.
Năm 2009, tôi bắt đầu đi học rồi làm với vai trò bác sĩ hiếm muộn.
Thời điểm đó, hiếm muộn là một khái niệm mới, số y bác sĩ thành danh chỉ đếm trên đầu ngón tay nên phần lớn họ đều muốn giữ bí quyết riêng cho mình hành nghề, không dễ dàng chỉ dạy cho bất kỳ ai.
Năm 2012, may mắn mỉm cười khi tôi được nhận làm học trò của thầy Âu Nhựt Luân (Phó Chủ nhiệm Bộ môn Sản, Đại học Y dược TPHCM). Có thể nói đó là giai đoạn tôi học được rất nhiều về IVF.
Năm 2013, tôi tiếp tục được chuyển về khoa IVF của Bệnh viện Hùng Vương. Lúc này, thầy Lý Thái Lộc lần nữa dìu dắt tôi trưởng thành. Đến năm 2015, tôi quyết định mượn tiền để đăng kí được đi học tại Singapore, khi ấy IVF của Singapore vẫn là điều mơ ước của rất nhiều Bs trên thế giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Hiện tại, tôi vẫn gặp lại người thầy ở Singapore đã hướng dẫn mình tại các hội nghị ở châu Á, Mỹ… Tôi may mắn khi được học rất nhiều Thầy trong lĩnh vực IVF. Chúng tôi giờ đã trở thành đồng nghiệp, sẵn sàng trò chuyện, chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Có thể nói mỗi thời điểm tôi học được 1 vài mảng khác nhau giúp tôi tự tin vận hành tốt cơ sở y tế của mình, thực hiện đúng những ý tưởng mà mình đã đeo đuổi suốt nhiều năm trời.
Trên thị trường y tế, ThS.BS Thân Trọng Thạch được biết đến bởi việc xây dựng phòng khám IVF cho người thu nhập thấp, đặc biệt là nó còn được đặt ở quận Bình Tân (TPHCM) - nơi sinh sống của nhiều người lao động, công nhân… Điều gì khiến ông thực hiện dự án này?
“Chi phí IVF 100 triệu, 200 triệu đồng thì vợ chồng em không làm được!” , đã có nhiều cặp vợ chồng đến gặp tôi và dắt nhau ra về như thế!
Thực tế, khi theo đuổi lĩnh vực IVF, tôi đã gặp vô vàn hoàn cảnh gia đình bỏ cuộc chỉ vì không có đủ chi phí. Họ nói, nếu 100 triệu đồng họ sẵn sàng vay nợ, nhưng trên con số đó thì hoàn toàn không có khả năng.
Lúc đó, tôi đã ước mơ có một phòng khám riêng cho những người có thu nhập thấp, để tất cả có cơ hội tiếp cận IVF.
Chưa kể vật tư kỹ thuật, thuốc, mỗi ca IVF còn cần cả đội ngũ con người, công nhân viên… Vì vậy việc giảm chi phí một ca IVF từ 250 triệu đồng xuống dưới 100 triệu đồng là một bài toán kinh tế không hề đơn giản. Là một nhà kinh doanh y tế, ông phải giải quyết bài toán này như thế nào?
Đồng ý là khi xây dựng một phòng khám IVF chi phí sẽ rất lớn. Nếu chỉ là một phòng tiêu chuẩn bình thường, vốn đầu tư ban đầu đã là 4-5 tỷ đồng và tôi gần như không có khả năng thu hồi vốn.
Vì vậy, từ khi có ý tưởng này, mỗi tháng tôi đều trích lợi nhuận từ việc vận hành phòng khám của mình để lập quỹ. Bạn biết không, ngay cả phòng khám bây giờ cũng được tôi xây dựng từ từ trong suốt 2 năm mới hoàn thiện. Hiện tại, mọi cơ sở vật chất của cơ sở mới luôn đạt chuẩn dịch vụ chăm sóc của hệ thống “Mẹ và bé" - nơi khách hàng luôn đánh giá 5 sao mức độ hài lòng cho tôi.
Về hãng dược, chắc chắn họ sẽ không thể giảm giá cho tôi, và phòng khám cũng cần duy trì hoạt động nên tôi sẽ lấy lời thấp nhất có thể. Về bác sĩ, rất nhiều cựu bác sĩ nội trú Đại học Y Dược, giảng viên Đại học Y Dược sau khi nghe ý tưởng của tôi đã ủng hộ ngay. Họ chấp nhận làm với mức thu nhập không cao, miễn đủ cho cuộc sống.
Cái quan trọng nhất là chi phí phòng lab. Điều này tôi may mắn khi có được sự đồng hành của một bệnh viện cùng chung chí hướng với giá thành thấp nhất.
Cộng hưởng tất cả yếu tố này, tôi tin chắc mình sẽ là một trong số ít bác sĩ thực hiện những ca IVF dưới 100 triệu đồng ở cơ sở y tế tư nhân. Thậm chí, tôi còn đang muốn đưa nó rơi tầm 80-85 triệu đồng để tất cả các cặp vợ chồng “tìm con” đều có thể tiếp cận.
Hiện nay, IVF trở thành hiện tượng với sự ra đời của hàng trăm bác sĩ hiếm muộn online trên social. Ông đánh giá nó như thế nào?
Thực tế, phải nhìn nhận nhiều năm trở lại đây, lĩnh vực IVF của Việt Nam phát triển rất nhanh và gần như không thua kém gì Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Điều đó đúng là tạo ra nhiều bác sĩ muốn theo đuổi IVF, thậm chí các khóa giảng dạy online. Tuy nhiên, chi phí một ca IVF không hề rẻ, nên bệnh nhân luôn có sự lựa chọn để tin tưởng một số bác sĩ nhất định thôi.
Đặc biệt, với tôi, càng nhiều bác sĩ, nhiều trung tâm và sự cạnh tranh tăng cao thì cuối cùng người hưởng lợi nhất vẫn là bệnh nhân khi được giảm giá thành.
Trên mạng xã hội chia sẻ về nhiều gia đình bỏ qua giai đoạn sinh con tự nhiên, tìm tới IVF nhằm chọn phôi thai tốt, quyết định những yếu tố phát triển của trẻ, thậm chí là cả giới tính… Ông có bao giờ chứng kiến những trường hợp này?
Thực tế, Việt Nam và những nước xung quanh chúng ta đều không cho phép thực hiện điều này. Đối với phòng khám “Mẹ và Bé", tôi cũng đã nghe những lời đề nghị đó và tôi tuyệt đối: “Không!”.
Mọi người nên hiểu IVF không phải là một cái gì đó quá kỳ vọng để tạo được một em bé tốt hơn tự nhiên. Người ta bảo IVF chọn lọc được phôi, được sinh thiết, được di truyền thì em bé sẽ thông minh hơn, hoàn hảo hơn. Cái này không đúng vì IVF hay tự nhiên thì em bé cũng đều có tỷ lệ dị tật như nhau, thậm chí việc can thiệp sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố cận di truyền.
Một chặng đường dài đồng hành cùng hàng nghìn gia đình tìm con, có điều gì khiến ông tiếc nuối?
Đến tận bây giờ, nuối tiếc lớn nhất của tôi là không thể hoàn thành chương trình Tiến sĩ trước năm 35 tuổi như dự định ban đầu.
Ngày xưa, sau khi hoàn thành khóa học nội trú năm 28 tuổi, tôi đã có dự định học tiến sĩ - bậc học cao nhất trong trường học. Thế nhưng như bạn nhìn thấy đấy, cả quá trình tôi đi qua, tôi chưa có một khoảng thời gian riêng nào cho bản thân mình. (Cười!).
Vậy còn hy vọng cho bản thân mình thì sao?
Bây giờ tôi đã 42 tuổi, nhưng tôi vẫn chưa một ngày nào hết học. Song song với đam mê IVF, hiện tại tôi cũng đang học thêm ngành phẫu thuật Rô-bốt. Tôi đã sang Đài Loan để học khóa ngắn hạn về lĩnh vực này và rất thích.
Hiện tại, lĩnh vực này rất mới tại Việt Nam vì chi phí robot vô cùng đắt đỏ. Thế nhưng, tôi chắc chắn nó sẽ là công nghệ phổ biến trong lĩnh vực Y tế tương lai.
Tôi cũng đã hoàn thành khóa học Thạc sĩ quản lý bệnh viện ở Hà Nội. Ngoài ra còn tham gia đào tạo cho nhiều lứa bác sĩ mới trong lĩnh vực IVF. Điều đặc biệt là một vài trong số đó giờ đã thành công, trở thành đồng nghiệp với tôi. Tôi đã xây dựng khóa học IVF khá chất lượng, mời nhiều thầy giỏi, đầu ngành lĩnh vực IVF từ lâm sàng đến lab và nội tiết về đào tạo nhằm xây dựng cho đội ngũ Bs IVF phòng khám Mẹ và Bé phát triển toàn diện nhất.
Bên cạnh việc tham gia khoá học do tôi xây dựng các bác sĩ còn tham gia khoá học của IVF An Sinh, Mỹ Đức và Tâm Anh. Bên cạnh việc học trong nước chúng tôi còn tham gia khóa học ngắn hạn ở Hàn Quốc (IVF CHA), Singapore (IVF.NUH) để các bác sĩ IVF thế hệ sau giỏi hơn, toàn diện hơn.
Tôi cảm thấy may mắn và tự hào khi đào tạo được đội ngũ có ích cho xã hội, đặc biệt các bác sĩ này sẽ trực tiếp công việc điều trị hiếm muộn cho chương trình IVF thân thiện chi phí thấp.
Buồn cười lắm! Người thân, bạn bè hay hỏi tôi học nhiều thế để làm gì, ứng dụng gì! Tôi cũng chẳng biết nữa, tôi chỉ biết rằng cái nào cũng có cái hay của nó và tôi đam mê cái hay này.
Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện này!
Nhịp sống thị trường