MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: 'Mọi người đều nói tôi bị điên'

14-01-2022 - 19:28 PM | Tài chính quốc tế

Lim Kok Cheong cùng vợ Jun Chua và con trai Ee Young

Lim Kok Cheong cùng vợ Jun Chua và con trai Ee Young

Hành trình từ nghèo khó đến thành công của Lim Kok Cheong bắt đầu từ chuyến đi nghiệt ngã từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đến Malaysia trên một con tàu chở hàng vào những năm 1920.

Doanh nhân Lim Kok Cheong, 76 tuổi, là con trai của một thợ cạo mủ cao su nghèo tại Malaysia. Ông đã tự mình vươn lên lập nghiệp và trở thành chủ Spritzer – công ty nước khoáng lớn nhất Malaysia và hiện đang đặt mục tiêu phát triển thị trường sang Trung Quốc, ông hy vọng doanh nghiệp sẽ ngày càng hưng thịnh tại khu vực này.

Spritzer đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán Malaysia, công ty sở hữu 100% vốn tại Quảng Châu từ năm 2016 với giấy phép kinh doanh có hiệu lực đến năm 2045. Lim hiểu rõ về cách phát triển doanh nghiệp. Ông cũng là người thành lập Tập đoàn Yee Lee, chuyên sản xuất dầu ăn Red Eagle, một mặt hàng không thể thiếu trong các hộ gia đình Malaysia trong hơn bốn thập kỷ.

Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: Mọi người đều nói tôi bị điên  - Ảnh 1.

Spritzer là công ty nước khoáng lớn nhất Malaysia

Năm 2012, ông Lim đã đạt được một cột mốc quan trọng khác trong cuộc đời – trở thành người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc tại Malaysia (ACCCIM), với hơn 100.000 thành viên đại diện cho các công ty, cá nhân và hiệp hội thương mại Malaysia-Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ 2012-2015, ông đã gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Cựu Đặc khu trưởng Hong Kong Lương Chấn Anh.

Chuyến tàu cuộc đời từ bước khởi hành ‘nghiệt ngã’

Hành trình từ nghèo khó đến thành công của ông bắt đầu từ chuyến đi nghiệt ngã từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc đến Malaysia trên một con tàu chở hàng vào những năm 1920 của ông bà Lim. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi, Lim đã vui vẻ kể lại về lịch sử gia đình và những đấu tranh của chính ông, một người đàn ông được sinh ra với định mệnh phải đối mặt vô số khó khăn.

"Ông bà của tôi đã đến Malaysia bằng một con tàu và đó không phải là trên một con tàu sang trọng, mà là boong dưới của một tàu chở hàng", Lim cười lớn. Hồi đó, cuộc sống ở Phúc Kiến rất khó khăn khi tỉnh này đang quay cuồng sau Cuộc cách mạng Trung Quốc đã lật đổ triều đại nhà Thanh và tạo ra một nền cộng hòa. Giữa những xáo trộn sau đó, ông bà của Lim đã quyết định ra đi.

Thời điểm đó, Malaysia vẫn còn là một thuộc địa của Vương quốc Anh và ông bà của Lim đã lựa chọn định cư ở thị trấn Kuala Kangsar thuộc bang Perak. Cha của Lim khi ấy mới sáu tuổi, là con út trong một gia đình có ba người con trai. Sau khi kết hôn, cha ông đã chuyển tới thành phố Batam (Indonesia), nơi cả gia đình làm công việc cạo mủ trên cây cao su để kiếm sống.

"Tôi được sinh ra vào ngày 24/1/1945 tại thành phố Batam. Trở lại năm tháng đó, Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn đang tàn phá thế giới", Lim nhớ lại. Khi chiến tranh thế giới khiến cuộc sống của nhiều cư dân ở Batam trở nên tồi tệ hơn và công việc cũng trở nên khan hiếm hơn, cha mẹ ông quyết định chuyển về Malaysia và tới thị trấn Kuala Kangsar, nơi họ một lần nữa tìm thấy công việc cạo mủ cao su.

Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: Mọi người đều nói tôi bị điên  - Ảnh 2.

Sau chiến tranh, tình trạng thiếu lương thực tràn lan trên khắp thế giới. Khi đó, cuộc nổi dậy ở Malaysia đã khiến chính phủ phải áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài từ năm 1948 đến năm 1960. Trong thời kỳ này, người Anh đã tàn sát 500.000 người dân sống và làm việc ở ven rừng, đồng thời tái định cư họ để ngăn chặn thêm nhiều cư dân gia nhập cộng sản.

Gia đình Lim nằm trong số những cư dân bị ảnh hưởng trực tiếp và một lần nữa họ phải chuyển đến một thị trấn tên là Taiping cũng ở bang Perak. Không nản lòng trước nhiều sự thay đổi ‘chóng mặt’, cha mẹ ông đã nhanh chóng tìm việc sau đó trở thành đại lý bán và phân phối bánh quy ở Taiping. 

Lim hoàn thành chương trình học năm 18 tuổi, khi đó Malaysia đã giành được độc lập và ông đã chuyển đến làm việc tại thủ đô Kuala Lumpur vào giữa những năm 1960 cho một công ty bán dầu ăn. Công việc đầu tiên của ông là giao dầu ăn bằng xe tải, không lâu sau đó Lim được thăng chức thành nhân viên bán hàng.

Lim nhớ lại: "Năm 1966, lương của tôi là 100 ringgit một tháng. Thời điểm hiện tại, số tiền đó gần tương đương với 600 ringgit (khoảng 143 USD)". Chỗ ngủ của ông là ở tầng trống phía trên văn phòng cùng các đồng nghiệp. Họ đã phải ngủ trên những chiếc giường bạt có thể gấp lại. "Chúng tôi không có phòng ngủ. Đó là không gian chung mà chúng tôi thường ngủ qua đêm", ông nói.

Lim đã làm việc liên tục trong nhiều giờ và siêng năng tiết kiệm tiền hàng tháng cho đến khi có đủ tiền để bắt đầu kinh doanh: "Đã có khoảng 20 người cùng giúp sức và tôi đã đặt cược 5.000 ringgit vào công ty". Tới năm 1968, Lim thành lập Công ty Yee Lee. Hoạt động kinh doanh chính của công ty đó là đóng gói lại dầu ăn. "Tôi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh này vì tôi đã quen thuộc với nó".

Những năm tháng tại Ipoh

Năm 1974, Lim bắt đầu xây dựng nhà máy riêng để tinh chế dầu cọ tại thành phố Ipoh, thủ phủ của bang Perak. Một năm sau, ông cho ra mắt Red Eagle, một loại dầu ăn mà sau này đã trở thành sản phẩm yêu thích của các hộ gia đình trên khắp Malaysia.

Được bao quanh bởi những ngọn đồi đá vôi tuyệt đẹp, Ipoh nằm trong Thung lũng Kinta, nơi từng có trữ lượng thiếc phong phú nhất trên thế giới. Vào đầu thế kỷ 20, Malaysia đã sản xuất hơn một nửa lượng thiếc của thế giới và Ipoh, với những dãy cửa hàng di sản lâu đời, được mệnh danh là "thành phố của các triệu phú".

Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: Mọi người đều nói tôi bị điên  - Ảnh 3.

Ipoh, Malaysia

Nhưng vào năm 1985, giá thiếc trên thị trường quốc tế giảm mạnh và ngành khai thác mỏ ở Perak sụp đổ. Nhiều thợ khai thác thiếc đã đánh mất mất vận may chỉ sau một đêm, các doanh nghiệp đóng cửa và nền kinh tế của thành phố rơi vào tình trạng suy thoái.

Vào giữa những năm 1980 và đầu những năm 1990, nhiều cư dân Ipoh đã rời đi để tìm việc làm ở nước ngoài. Lim kể lại: "Ipoh là nơi có tỷ lệ người nhảy từ máy bay xuống cao nhất". Đây là một thuật ngữ khá nổi tiếng để chỉ những người Malaysia rời khỏi đất nước để tìm kiếm công viện ở những quốc gia khác.

Một số đến Singapore để làm việc trong các nhà máy, những người khác đến Mỹ để làm công việc rửa bát đĩa và bồi bàn. Nhưng Lim vẫn có thể sống sót tại đây. "Tôi không làm trong ngành khai thác mỏ nên bản thân không bị ảnh hưởng nhiều".

Bước ngoặt từ sự ra đời của Spritzer

Vào cuối những năm 1980, ông đã nảy ra ý tưởng kinh doanh nước khoáng đóng chai sau khi nhận thấy các nhãn hiệu duy nhất có ở Malaysia là các nhãn hiệu nhập khẩu như Evian và Volvic.

Nhiều người đã chế giễu khi ông thành lập nước khoáng Spritzer vào năm 1989. Nhưng ngày nay, đây lại là loại nước khoáng bán chạy nhất nước. Lim cười lớn: "Hầu hết mọi người đều cười nhạo và nói rằng tôi bị điên. Vào thời điểm đó, người Malaysia chủ yếu uống nước máy. Ngay cả khi bạn đến một nhà hàng, họ cũng sẽ phục vụ bạn nước máy".

Lim là người có tầm nhìn xa và rất nhanh đã tìm được khách hàng đầu tiên khi thuyết phục được chủ các hộp đêm mua nước đóng chai của mình. "Tôi đã nói với các chủ hộp đêm rằng họ đã trả rất nhiều tiền cho rượu whisky và những loại đồ uống có cồn khác. Và sẽ thật lãng phí nếu sau đó họ pha đồ ​​uống có cồn với nước máy vì hương vị sẽ không còn ngon", ông hào hứng kể lại.

Từ đó, ông đã dần dần xây dựng được cơ sở khách hàng của mình. "Phải mất ba đến bốn năm để có được doanh số bán hàng và chúng tôi đã phải chi rất nhiều tiền cho hoạt động tiếp thị", Lim nhấn mạnh.

Nước khoáng Spritzer được chiết xuất từ một nguồn nước từ độ sâu 130 mét tại khu vực rộng 330 mẫu Anh ở thành phố Taiping, bang Perak. Con trai cả của ông, anh Lim Ee Young đã chỉ ra rằng độ sâu đó có thể coi như một tòa nhà chọc trời 40 tầng.

Ee Young hiện đang là giám đốc điều hành của Tập đoàn Yee Lee – công ty có cổ phần kiểm soát tại Spritzer. Anh thừa nhận rằng Spritzer chưa tiến sâu vào thị trường Trung Quốc mặc dù đã mở văn phòng kinh doanh tại Quảng Châu, nhưng họ vẫn sẽ không nản lòng. Anh khẳng định: "Tuy mới chỉ có một chút thành công ở Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ không từ bỏ hy vọng này vì nguồn nước khoáng tốt đang rất khan hiếm".

Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: Mọi người đều nói tôi bị điên  - Ảnh 4.

Ee Young tin rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ đánh giá cao nước khoáng của Spritzer khi họ tìm hiểu về cách sản xuất ra chúng. "Trung Quốc là quốc gia nơi có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với thị trường tiêu dùng rộng lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục bước đi trên con đường này", Ee Young quả quyết.

Tập đoàn Spritzer hiện sở hữu 8 công ty con tham gia sản xuất và phân phối nước khoáng đóng chai, nước có ga, nước cất và cả đồ uống có ga hương trái cây. Spritzer cũng xuất khẩu các sản phẩm của mình sang Anh và Hà Lan.

Hướng tới thế hệ tương lai

Ipoh, thành phố lớn thứ ba của Malaysia, cách thủ đô nơi Lim đặt trụ sở khoảng 190 km. Trong vài năm trước đại dịch, Ipoh được coi như một điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch, nơi có những bức tranh đường phố trên tường và các quán cà phê sành điệu phục vụ bánh mì thủ công và các món ăn Malaysia hiện đại. Lim đã chọn đặt trụ sở tại Ipoh vì đây là một thành phố "yên bình và đáng sống".

Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: Mọi người đều nói tôi bị điên  - Ảnh 5.

Lối vào của STG Teahouse Cafe

Tập đoàn Yee Lee đã phát triển mạnh mẽ từ những ngày đầu là nhà đóng gói lại dầu ăn trở thành nhà sản xuất và phân phối chính. Thông qua các công ty con, Yee Lee còn sản xuất giấy gợn sóng và lon bình xịt, đồng thời sở hữu các đồn điền và nhà máy lọc dầu trà và dầu cọ. Đồng thời tập đoàn này cũng điều hành các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và phân phối các thương hiệu quốc tế như Campbells, Kleenex, Dettol và Red Bull.

Vài năm trước, Lim đã quyết định lùi lại một bước. Ee Young, 49 tuổi, một kế toán viên được đào tạo tại Úc và Anh, đã trở thành giám đốc điều hành vào năm 2019. Ee Young gia nhập công ty của cha vào năm 1993 với tư cách là một thực tập sinh và đã phát triển theo con đường của riêng mình.

Vị doanh nhân và hành trình lập nghiệp từ 500 nghìn trong túi đến đế chế nước khoáng trăm triệu đô: Mọi người đều nói tôi bị điên  - Ảnh 6.

Lim Ee Young của tập đoàn Yee Lee

"Tôi thường được hỏi rằng bản thân sẽ làm gì nếu bố tôi không phải là một doanh nhân. Tôi thực sự chưa bao giờ nghĩ về điều đó vì việc được gia nhập công ty là điều mà tôi luôn mong đợi", Ee Young khẳng định.

Linh Chi

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên