MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 thông tin kinh tế nổi bật tuần 6/4-12/4

Ngành ô tô Việt Nam gửi đơn chờ Thủ tướng... cứu; Gazprom mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất; 20 hãng tàu biển lớn lọt "tầm ngắm" thanh tra của Bộ Tài chính… là những thông tin kinh tế nổi bật tuần qua.

Ngành ô tô Việt Nam gửi đơn chờ Thủ tướng... cứu

Hiệp hội Cơ khí Việt Nam gửi đơn kêu cứu đến Thủ tướng Chính phủ vì hiện tượng ô tô tải nhập khẩu nguyên chiếc, đặc biệt là từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam với số lượng rất lớn, trong khi đó thuế linh kiện hiện nay cao hơn thuế nhập khẩu nguyên chiếc, đang đe dọa đến sự phát triển của ngành ô tô nội địa.

Bàn về vấn đề này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học Kinh tế Quốc Dân Hà Nội cho rằng, chuyện các doanh nghiệp, hiệp hội ô tô trong nước phản ứng cũng là điều dễ hiểu bởi điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của ngành ô tô Việt Nam.

Gazprom mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất

Ngày 6/4, Gazprom Neft - một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga, đã công bố kế hoạch mua 49% cổ phần của nhà máy lọc dầu Dung Quất - cơ sở chế biến dầu duy nhất của Việt Nam.

Theo đó, Gazprom Neft đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bằng cách mở rộng thăm dò và sản xuất dầu khí tại Việt Nam cùng với công ty dầu khí PetroVietnam.

Vì sao Toyota tính ngưng sản xuất tại Việt Nam?

Việc Công ty Toyota đang cân nhắc ngưng sản xuất ôtô tại Việt Nam hay nhập khẩu hoàn toàn để hưởng lợi từ lộ trình giảm thuế từ ASEAN đang đặt ra yêu cầu thay đổi chính sách đối với ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam.

Theo thống kê từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng cao, riêng năm ngoái, lắp ráp và sản xuất ô tô đạt khoảng 120.000 xe, tăng 29% về lượng và tăng đến 35% về doanh số bán hàng so với năm trước đó.

20 hãng tàu biển lớn lọt "tầm ngắm" thanh tra của Bộ Tài chính

Trong tháng 4/2015, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra về phí, phụ phí của 20 hãng tàu, đại lý vận tải biển lớn tại Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, hiện các hãng tàu biển nước ngoài “đua” tăng phí, phụ phí cước vận tải biển gây khó khăn và tăng chi phí xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước. Việc tăng các loại phụ phí cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành hàng hóa xuất khẩu trong nước, là một phần nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế.

Xã hội hóa ngành hàng không và nỗi lo về thế độc quyền

Theo Bộ GTVT, giai đoạn 2015-2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng hàng không là 230.215 tỷ đồng. Sau khi Bộ GTVT có chủ trương cho phép các DN tham gia khai thác thương mại các cảng hàng không, một số hãng hàng không như Vietjet Air, Vietnam Airlines và một số doanh nghiệp đề xuất được nhượng quyền khai tác một số cảng sân bay như nhà ga T1 Nội Bài, Phú Quốc, Đà Nẵng.

Một số chuyên gia cho rằng, với một sân bay nói riêng và hệ thống sân bay nói chung là tài sản cực kỳ quan trọng đối với một quốc gia. Do đó, nếu toàn bộ hay một phần hệ thống sân bay này bị chi phối bởi một nhà khai thác tư nhân thì sẽ tạo ra những rủi ro chính trị, kinh tế nhất định cho quốc gia.

Đề xuất địa điểm mới xây casino Phú Quốc

Bộ Xây dựng vừa có ý kiến về địa điểm xây casino tại đảo Phú Quốc, sau khi Thủ tướng có chỉ đạo về việc thay đổi địa điểm xây dựng tổ hợp này. Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, việc di dời vị trí xây casino từ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm sang địa điểm mới là phù hợp với quy hoạch của khu nghỉ dưỡng này.

Theo đó, Bộ kiến nghị xây casino liền kề với resort Vinpearl Phú Quốc, tiếp giáp với khu du lịch sinh thái Giang Điền (thuộc Bãi Dài) là “phù hợp và thuận lợi hơn trong kêu gọi đầu tư”.

Việt Nam cứ đi xin viện trợ mãi sao?

Tại tọa đàm CEO NETWORK số 1 với chủ đề “Cộng đồng kinh tế ASEAN: Chiến lược cạnh tranh cho SMEs Việt Nam” ngày 11/4, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam vẫn chấp nhận nằm trong nhóm nước CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Theo bà Lan, đây là một điều đáng tiếc bởi Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để vươn xa hơn nữa.

“Việt Nam sẵn sàng mở toang cửa cho người nước ngoài, nhưng lại chưa có các quy chuẩn, rào cản bắt buộc. Chúng ta chưa kiểm soát tốt FDI, gây bất bình đẳng với doanh nhiệp trong nước. Doanh nghiệp FDI được nhận rất nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp trong nước bị gây khó nhiều hơn. Con số doanh nghiệp đóng cửa là thật nhưng số thành lập mới vẫn chưa chắc chắn” – bà Lan chia sẻ.

Thảo Anh (Tổng hợp)

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên