Ai sẽ quản thực phẩm chức năng?
Nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra đồng tình khi Luật Dược sửa đổi bổ sung quy định về việc quản lý thực phẩm chức năng. Song, Hiệp hội Thực phẩm chức năng đã lập tức phản ứng quy định này
- 08-03-2016Đa cấp Việt Nam phát triển nhanh nhất thế giới, trong đó 80% đang bán thực phẩm chức năng!
- 19-01-2016Phát hiện cả tấn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng Thái Lan nhập lậu vào cảng Sài Gòn
- 11-01-2016Thực phẩm bẩn tràn lan tại TPHCM: Dân lo, cơ quan chức năng nói yên tâm
- 07-01-2016Thu hàng nghìn mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu
Trước sự bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng (TPCN) dẫn đến tình trạng bát nháo trên thị trường, nhất là việc quảng cáo thổi phồng gây ảnh hưởng đến sức khỏe, túi tiền của người sử dụng, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã bày tỏ sự đồng tình khi Luật Dược sửa đổi bổ sung quy định về việc quản lý TPCN. Tuy nhiên, ngay sau đó, Hiệp hội TPCN Việt Nam đã có văn bản kiến nghị QH cần xem lại quy định “lấn sân” này.
“Luật hóa” quản lý TPCN
Có mặt tại Việt Nam khoảng 15 năm nhưng thị trường TPCN đã bùng nổ với hơn 10.000 sản phẩm của gần 3.000 doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất. Trong khi thị trường TPCN phát triển nhanh chóng thì công tác quản lý lại còn nhiều khoảng trống.
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng hiện nay, người dân đang mất rất nhiều tiền vào TPCN vì nhầm lẫn với thuốc. “Nhiều người tiền mất tật mang, bệnh trầm trọng thêm vì sự lầm lẫn này” - ông nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Phương cũng lo ngại khi hiện nay, nhiều phương tiện thông tin đại chúng quảng cáo TPCN rất tinh vi, “TPCN mà quảng cáo như thần dược”.
Theo ông Phương, TPCN được sự hỗ trợ tích cực của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ trong ngành y tế. Giá TPCN bán rất cao so với giá thành vì tâm lý người dân là sản phẩm ít tiền thì không tin đó là tốt. Ông Phương đề nghị Luật Dược sửa đổi nên đưa TPCN vào phạm vi điều chỉnh, có những quy định chặt chẽ và những điều cấm cần thiết để quản lý.
Cùng quan điểm này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, kiên quyết giữ quan điểm trong Luật Dược phải có chương riêng về quản lý TPCN và mỹ phẩm. Bởi lẽ, theo bà Lan, đang có khoảng trống cơ sở pháp lý về quản lý như: quảng cáo quá lố, tiêu chuẩn sản phẩm thuốc được đăng ký thành TPCN để “né” các quy định...
Một số ĐB cũng cho rằng tình trạng TPCN giả mạo, không rõ xuất xứ được mua bán tràn lan trên mạng, trên thị trường khiến người tiêu dùng không phân biệt được thật giả. Không ít người còn lợi dụng các kênh bán hàng đa cấp, núp bóng từ thiện tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí để tư vấn, tiếp thị, bán TPCN với giá cao, làm ảnh hưởng sức khỏe và kinh tế của người dân… Do vậy, cần luật hóa quản lý TPCN.
Đồ ăn không phải thuốc!
Dư luận xã hội bức xúc trước tình hình bát nháo của thị trường TPCN và đòi hỏi phải có sự quản lý chặt chẽ là yêu cầu cần thiết. Tuy nhiên, PG-TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam, cho rằng việc quản lý TPCN được quy định bởi Luật An toàn thực phẩm, trong khi dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm điều chỉnh các hoạt động quản lý về thuốc và mỹ phẩm. Vì vậy, việc bổ sung các quy định về TPCN vào dự thảo Luật Dược sửa đổi cần phải xem xét lại để tránh chồng chéo, gây rối loạn giữa các văn bản luật.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH trình bày tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Dược sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho rằng TPCN tuy có tác dụng đối với sức khỏe con người nhưng có cơ chế điều chỉnh khác với thuốc. Hiện nay, TPCN được quản lý bằng quy định của Luật An toàn thực phẩm.
Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng đây là Luật Dược nên không thể “lấn sân” sang TPCN. Nếu muốn quy định đầy đủ về cơ chế pháp lý đối với TPCN phải có một luật về TPCN. TPCN hiện nay chỉ nằm trong một phần Luật An toàn thực phẩm. ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng nhất trí với dự thảo không đưa TPCN vào phạm vi điều chỉnh. Tuy vậy, TPCN vốn được nhiều người xem là lá chắn trước các căn bệnh hiểm nghèo nên nhiều nước trên thế giới đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng chúng.
Cảnh báo đối với người dân, PGS-TS Trần Quang Trung, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho rằng TPCN vốn chỉ là sản phẩm hỗ trợ sức khỏe như thực phẩm nhưng được bào chế dưới dạng nước, dạng viên, dạng bột… Cũng giống như thực phẩm hằng ngày, TPCN chỉ có công dụng tăng cường dinh dưỡng, tăng sức đề kháng, nâng cao thể trạng chứ không phải thuốc chữa bệnh. Cơ quan quản lý phải thống nhất được biện pháp quản lý, đừng làm rối thêm “ma trận” TPCN.
Không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 05, quy định về việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, có hiệu lực từ ngày 1-5. Theo quy định này, chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Không được kê vào đơn thuốc các loại thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; các loại thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam; thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Thuốc được kê trong đơn phải viết theo tên chung quốc tế (INN, generic), trừ trường hợp thuốc có nhiều hoạt chất. Đơn thuốc có giá trị mua, lĩnh thuốc trong thời hạn tối đa 5 ngày, kể từ khi kê đơn.
Cũng theo Thông tư 05, trong trường hợp cấp cứu nhưng chưa kịp làm thủ tục nhập viện, người kê đơn thuốc của bất cứ chuyên khoa nào (kể cả y học cổ truyền) đều được kê đơn để xử trí cấp cứu phù hợp với tình trạng của bệnh nhân.
D.Thu
Người Lao Động