MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Công Thương: Thận trọng đánh giá tác động phá giá Nhân dân tệ

Cần thận trọng và đánh giá kỹ lưỡng, tổng thể hơn tác động của việc đồng Nhân dân tệ phá giá tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN.

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp giao ban thường kỳ tháng 8 của Bộ Công Thương sáng ngày 3/9 tại Hà Nội.

Phân bón và hóa chất là một trong những ngành chịu tác động của việc Trung Quốc phá giá đồng NDT trong thời gian vừa qua. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc Trung Quốc phá giá đồng NDT và Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá ngoại tệ lên +/-3 và tăng tỷ giá thêm 1%, tương với việc tăng giá hàng hóa tối đa thêm khoảng 5% là một khó khăn, thách thức đối với các nhà nhập khẩu nói chung và những nhà nhập khẩu phân bón nói riêng.

Có thiệt có lợi

Tuy nhiên, với diễn biến thị trường phân bón hiện nay, các nhà sản xuất phân bón nội địa tại Việt Nam đang có lợi thế, nhất là nhà máy sản xuất phân Urea và DAP. Bộ Công Thương dự báo thị trường phân bón trong thời gian tới sẽ xác lập một mặt bằng giá mới với xu hướng thuận lợi cho nhà sản xuất phân bón nội địa.

Đối với ngành dệt may và da giày, Bộ Công Thương cho rằng việc Trung Quốc điều chỉnh giảm giá đồng NDT trước mắt sẽ chưa có tác động đến các DN của ngành. Tuy nhiên, về lâu dài khi hàng hóa của Trung Quốc ngày càng rẻ, sẽ gây áp lực cạnh tranh lớn lên hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng vào Trung Quốc, cũng như nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống khác.

Theo bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trước thông tin Trung Quốc phá giá đồng NDT, Cục Xuất nhập khẩu đã làm việc với các hiệp hội, ngành hàng để đánh giá tình hình. Trước mắt, động thái phá giá đồng NDT của Trung Quốc đã mang lại phản ứng tức thì, đặc biệt với các nhà xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng có những đề nghị với các DN xuất khẩu của chúng ta giảm giá, để đảm bảo cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường này", bà Diệu Hà thông tin.

Tuy nhiên, bà Hà cũng nêu ý kiến phản ánh từ các hiệp hội ngành hàng rằng, việc tuyên truyền và phản ánh tác động của đồng NDT phá giá và điều chỉnh tỷ giá cần thận trọng, và được đánh giá kỹ lưỡng hơn.

DN chủ động bám sát diễn biến thị trường

Cũng bởi, không chỉ Trung Quốc phá giá đồng NDT mà hiện nhiều nước trong khu vực cũng đang giảm giá mạnh đồng tiền. Do đó, việc đánh giá tác động cần được nhìn nhận đầy đủ và tổng thể, để từ đó có định hướng tuyên truyền thận trọng, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường và DN.

Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là theo dõi sát diễn biến chính sách điều hành tỷ giá của Trung Quốc và các nước để có ứn phó cho phù hợp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho rằng cần phải thận trọng đánh giá một cách tổng thể và kỹ lưỡng tác động đến từng thị trường, từng ngành hàng.

Dẫn ra ý kiến của một số chuyên gia, Thứ trưởng cũng đồng tình khi cho rằng, trước mắt có thể DN sẽ được hưởng lợi, nhưng hiện Việt Nam đang nhập một tỷ lệ lớn nguyên liệu từ Trung Quốc, nên về lâu dài có thể hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tăng lên, với mức giá rẻ.

"Như vậy điều này sẽ tạo áp lực lên nhập siêu và hàng hóa giá rẻ tràn vào, cạnh tranh với hàng hóa nội địa. Tuy nhiên, sự tác động là có khác nhau và có độ trễ, tùy từng thị trường và mặt hàng", Thứ trưởng nói.

Trước diễn biến phức tạp của việc điều chỉnh giảm giá đồng NDT, Bộ Công Thương khuyến cáo các ngành cần phải bám sát diễn biến thị trường để chủ động điều hành linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả cao nhất.

Được biết, hiện Cục Xuất nhập khẩu đang có nghiên cứu đánh giá tác động của việc đồng NDT phá giá tới hoạt động xuất nhập khẩu và lợi thế cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam. Dự kiến trong thời gian tới nghiên cứu đánh giá này sẽ được đưa ra và báo cáo lên các cấp ngành.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên