MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Dư địa phát triển đã tới hạn, cấp thiết đổi mới kinh tế

Những lợi thế cho phát triển kinh tế của đất nước đã tới hạn, nên trước cơ hội từ hội nhập, đang đặt ra những thách thức đổi mới thể chế kinh tế.

Đó là những băn khoăn của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi nói chuyện với các chuyên gia về cải cách thể chế kinh tế trong hội nhập.

Việt Nam đã qua hơn 30 năm đổi mới và chuyển sang nền kinh tế thị trường. Theo đánh giá của Bộ trưởng Vinh, mặc dù chưa phải là nền kinh tế thị trường đầy đủ, song đã có nhiều thành tựu lớn đạt được. Đặc biệt, đổi mới trước đây đã cởi trói và khơi dậy mọi động lực của các thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, những nhân tố tích cực trước đây đã lạc hậu và hết dư địa để phát triển. Do đó, Bộ trưởng Vinh cho rằng đất nước không thể tăng trưởng hơn nếu chỉ dựa vào những nguồn lực cũ, cơ chế cũ.

Dẫn chứng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển, như đất nước có dân số vàng. Song Việt Nam cũng đang chuẩn bị phải đối mặt với dân số già hóa. Những cơ hội để Việt Nam “bật dậy” so với các nước bên cạnh cũng đang dần qua đi.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, nền kinh tế mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng khá, nhưng quy mô kinh tế còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, chi phí đầu vào sản xuất có xu hướng tăng dần qua các năm và ở mức cao so với các nước. Đặc biệt là mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất có xu hướng tăng, hiệu quả sử dụng năng lượng tương đối thấp so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, chi phí trung gian so với giá trị sản xuất ở khu vực nông nghiệp ở mức 60%; công nghiệp và xây dựng trên 70%; dịch vụ trên 43%. Giai đoạn 1996 - 20077, để sản xuất ra một đồng GDP thì mức tiêu hao năng lượng tăng gần gấp đôi và có xu hướng tăng những năm gần đây.

Nền kinh tế vận hành theo mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn, khi giai đoạn 2011 - 2014 tỷ lệ vốn đầu tư phát triển so với GDP ở mức 31,4%, là mức khá cao so với nhiều nước trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế cũng dựa chủ yếu vào vốn và lao động, trong đó yếu tố vốn đóng góp tới 67,9% và lao động đóng góp 23,2%.

“Khi chúng ta mở cửa, mà những cơ hội không được tận dụng, lại để hậu quả xấu của hội nhập mang đến, thì lúc đó không thể làm được gì nữa. Ta đang tích cực hội nhập, nhưng ta chưa tích cực và có giải pháp để tận dụng cơ hội hội nhập và hạn chế thách thức. Đây là điều rất đáng lo”, Bộ trưởng Vinh lo ngại.

Do đó, việc cần xác định rõ ràng động lực và cần tạo ra sức cạnh tranh tốt hơn là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tức là khi bước vào cuộc chơi chung, cần phải tạo ra thể chế để đáp ứng cuộc chơi chung.

Bộ trưởng cho rằng, đã đến lúc cần đổi mới mạnh mẽ thể chế kinh tế, gắn với cải cách chính trị. Tức là, đổi mới đồng bộ hệ thống tổ chức quản lý, tương thích với nền kinh tế thị trường, đảm bảo dân chủ, đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên