MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sẽ rà soát cơ chế cho vay để người trồng cà phê tiếp cận vốn thuận lợi

Trong thời gian tới ngành cà phê sẽ tập trung vào chất lượng, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị ở khâu trồng và đặc biệt là khâu chế biến, thương mại để có giá trị gia tăng và có hiệu quả cao hơn.

Bên lề Hội nghị Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V năm 2015, báo giới đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Cao Đức Phát về các vấn đề liên quan việc phát triển ngành cà phê trong thời gian tới.

Bộ trưởng đánh giá thế nào về thực trạng ngành cà phê Việt Nam ? Theo Bộ trưởng chúng ta cần tập trung vào những vấn đề gì để phát triển cà phê bền vững?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ngành cà phê nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ về diện tích, năng suất, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu. Nhưng hiện ngành cà phê nước ta đang đứng trước những khó khăn, thử thách trong lĩnh vực trồng để tái canh cây cà phê đã già cỗi, đồng thời phát triển theo hướng bền vững hơn và có hiệu quả cao hơn.

Mặt khác, ngành cà phê cần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển về chế biến và khâu thương mại để tăng giá trị gia tăng, đem lại lợi ích lớn hơn cho người trồng cà phê cũng như những doanh nghiệp chế biến và kinh doanh cà phê.

Con số thống kê cho thấy 25% lượng cà phê được phơi trên nền đất, bộ trưởng nghĩ thế nào về hạ tầng phát triển cà phê?

Hiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với các địa phương phổ biến hỗ trợ nhân dân áp dụng để tái canh cũng như thâm canh cà phê; thực hiện các chính sách khuyến khích các nông nghiệp phát triển, chế biến nâng cao giá trị gia tăng cà phê; và hỗ trợ để áp dụng các kỹ thuật về sơ chế, phơi sấy, bảo quản cà phê. Việc hỗ trợ người dân áp dụng các kỹ thuật về sơ chế, phơi sấy (sạch – PV) cũng là một phần trong gói chính sách khuyến khích đó.

Với điều kiện khô hạn, mực nước ngầm đang xuống thấp ở Tây Nguyên, theo bộ trưởng làm cách nào để phát triển cà phê bền vững, bảo vệ đất trong điều kiện này?

Vấn đề nước là một hạn chế trong việc phát triển nông nghiệp ở nước ta ở Tây Nguyên nhất là khi biến đổi khí hậu đang diễn ra. Năm nay, chúng ta đang phải đối phó tình trạng hạn hán gay gắt so với nhiều năm gần đây do diễn ra tình trạng El Nino ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Tuy nhiên để đối phó với tình trạng này trong dài hạn, chúng ta cần hướng dẫn và giúp nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ, trong đó khuyến khích người dân kỹ thuật tưới tiết kiệm.

80% diện tích trồng cà phê đang “nằm trong tay nông dân” nhưng lại sản xuất manh mún, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả không cao; chương trình tái canh cây cà phê đang gặp khó khăn về vốn – người nông dân không vay được vốn của ngân hàng, chậm giải ngân, và diện tích trồng cà phê không nằm trong quy hoạch nên khó tiếp cận vốn. Bộ trưởng có biết vấn đề này không? Và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thời gian tới là gì?

Vừa qua chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. NHNN đã quan tâm, chỉ đạo xây dựng một chương trình hỗ trợ nông dân tái canh cây cà phê. Bộ NNPTNT đã xây dựng một chương trình để làm cơ sở cho hệ thống ngân hàng có thể hỗ trợ cho nông dân. Mặt khác chúng tôi cũng đang phối hợp với các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế để có những khoản vốn vay cho nông dân. Tuy nhiên, có vấn đề đặt ra là phải rà soát cơ chế cho vay để tạo thuận lợi cho nông dân để tiếp cận các nguồn vốn vay một cách thuận lợi.

Trong hội thảo phát triển cà phê bền vững, Bộ trưởng có nhắc đến việc chúng ta cần một tư duy phát triển mới, tư duy đột phát để phát triển cây cà phê. Vậy  tư duy đột phát ở đây là gì?

Thời gian vừa qua chúng ta đẩy mạnh sự phát triển về mặt diện tích, sản lượng cà phê nhân thô. Trong thời gian tới chúng ta sẽ không chạy theo diện tích, không chạy theo sản lượng mà tập trung vào chất lượng, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị ở khâu trồng và đặc biệt là khâu chế biến, thương mại để có giá trị gia tăng và có hiệu quả cao hơn của ngành cà phê.

Theo Bộ trưởng, tới đây Chính phủ cần có chính sách gì để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cà phê?

Cà phê là một sản phẩm ưu thế của Việt Nam, nên Chính phủ rất quan tâm. Vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã đưa ra những chính sách khuyến khích đầu tư vào phát triển chế biến các loại nông lâm thủy hải sản. Tuy nhiên, với những chính sách chung đó, chúng ta cần làm việc cụ thể với từng địa phương để có những chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển chế biến sâu các sản phẩm cà phê.

Tại lễ hội cà phê năm nay chúng ta cũng có thể thấy một số doanh nghiệp đã và đang thực hiện thành công chủ trương này. Tuy nhiên, chúng ta mong đợi có nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cà phê Việt Nam.

Cám ơn Bộ trưởng!


Thanh Giang
(lược ghi)

Ngọc Quỳnh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên