MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bơi trong… hội nhập

Trong bối cảnh Việt Nam đang trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, với rất nhiều động thái tích cực, hiệp định song phương và đa phương được ký kết và có hiệu lực như việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ACE), hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… Đây được cho là cơ hội và cũng là thách thức lớn cho các DN trong nước, nhất là các DNNVV.

Có thể thấy, việc tham gia TPP đồng nghĩa với việc các hàng rào thuế quan đối với hàng hóa sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn, và các hàng rào phi thuế quan sẽ được cắt giảm nhằm thuận lợi hóa thương mại. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, khi các nước xóa bỏ thuế nhập khẩu, lợi ích đầu tiên là các cơ hội mới cho phát triển xuất khẩu.

Việt Nam tham gia TPP tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng mới. Nếu chúng ta trở thành một mắt xích của chuỗi đó thì việc tham gia vào thị trường toàn cầu sẽ sâu rộng hơn nhiều.

Bên cạnh đó, khi đi vào các thị trường như vậy, Việt Nam có lợi thế trung hạn trước các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là các đối thủ trong khu vực, nhất là ở một số thị trường quan trọng như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Canada…

Về vấn đề này, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhìn nhận, khi Việt Nam tham gia TPP, cùng với cơ hội, các DN trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Ông Nam cho rằng chỉ có hơn 7% DN tư nhân, và cũng không nhiều DN Nhà nước đủ sức cạnh tranh. Bởi vì trong số các DN đang hoạt động, thì số lượng DNNVV, DN siêu nhỏ chiếm đa số.

Trong khi đó, đa phần các DNNVV có năng lực sản xuất yếu, quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu… nên rất khó cạnh tranh sòng phẳng với các nước. Phần lớn các DNNVV Việt Nam hiện nay vẫn chưa được chuẩn bị hành trang cho cuộc hội nhập. Họ vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập. Mà trong môi trường kinh doanh quốc tế, tính cạnh tranh trực tiếp đối kháng là quan trọng nhất.

Ông Nam cho rằng, hầu hết các DN trong mọi lĩnh vực ngành, nghề đều phải đối mặt với những khó khăn thách thức.

Trong tất cả các ngành nghề thì lĩnh vực nông sản đang được cho là có nhiều lợi thế hơn cả, bởi Việt Nam là một nước có thế mạnh trong nông nghiệp với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, có thể sản xuất quanh năm.

TPP ký kết sẽ thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo cơ hội cho khai thác các lợi thế tiềm năng về nông nghiệp, hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Tuy nhiên, việc giảm thuế trong TPP sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu vào Việt Nam với giá thành rẻ, chất lượng và mẫu mã đa dạng. Do đó, để phát triển và cạnh tranh trên thị trường, nông sản Việt Nam cần phải đi vào đầu tư về chất lượng sản phẩm. Trên thực tế, để cạnh tranh với các đối thủ mạnh cần có hai yếu tố quan trọng, đó là sự sáng tạo và giá rẻ.

Việt Nam sản xuất nhiều lúa gạo, nhưng giá gạo xuất khẩu Việt Nam lại không cao. Trong khi đó, lúa gạo Thái Lan chất lượng tốt, giá cũng rẻ nên việc cạnh tranh là khá khó khăn. Bởi vậy, “để bên yếu mà thắng được bên mạnh hơn thì nguyên tắc là bất ngờ, tập kích, sáng tạo”, ông Tô Hoài Nam cho biết.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tham gia TPP, các DN Việt Nam còn gặp nhiều bất lợi do nền kinh tế chưa phát triển, công nghệ, thiết bị lạc hậu, trong khi đó những quy định của TPP khá chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm… Chính bởi vậy, nếu các DNNVV không thể đầu tư lớn, thì có thể tăng cường liên kết để tạo dựng và xây dựng được chuỗi giá trị liên kết.

Ông Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cho rằng, năng lực của các DNNVV tại Việt Nam nhìn chung còn yếu để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho các nhà máy FDI. Hiện chỉ có 21% DNNVV Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, và sự đóng góp của DNNVV trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác.

Để các DN có thể chủ động hơn khi tham gia TPP thì một trong những yếu tố quan trọng chính là việc tiếp cận thông tin, tiếp cận với thị trường. Mặc dù Việt Nam đã trải qua rất nhiều vòng đàm phán để có thể đi đến việc ký kết TPP trong thời gian tới, nhưng còn nhiều DN, nhất là các DNNVV chưa có sự chuẩn bị chu đáo để tham gia vào TPP.

Ông Chế Minh Chương, Tổng giám đốc CTCP thiết bị áp lực Đông Anh (Đông Anh, Hà Nội), thì qua các phương tiện thông tin truyền thông, DN có biết và tìm hiểu về TPP. Tuy nhiên thực tế DN cũng rất ít có điều kiện được tìm hiểu trực tiếp về sự ảnh hưởng cũng như những định hướng cho DN khi tham gia TPP.

Bởi vậy, họ mong muốn các cơ quan chức năng có những hướng dẫn cụ thể những quy định của TPP, định hướng cho DN hoạt động phù hợp, hiệu quả hơn để giúp các DN, nhất là các DNNVV tự tin hội nhập khi TPP được ký kết.

Theo Nguyễn Minh

Thời báo Ngân hàng

Trở lên trên