MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BVSC: Lạm phát năm 2016 có thể lên đến 6-7% ở kịch bản xấu nhất

BVSC dự báo, nếu kinh tế vĩ mô tích cực lạm phát năm 2016 sẽ ở mức 1-2%, còn ở kịch bản bình thường, lạm phát khoảng 3-5%. Trong trường hợp tiêu cực nhất, lạm phát có thể lên mức 6-7%.

Trong báo cáo mới công bố về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo,  lạm phát năm 2016 sẽ khó duy trì ở mức thấp như trong hai năm vừa qua do có một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn.

Cụ thể, CPI tính đến cuối tháng 12/2015 tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước trong khi CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014. Đáng chú ý, CPI dựa theo cả hai cách tính đều là mức thấp nhất trong vòng 14 năm trở lại đây.

Ở một góc độ khác, nếu loại trừ biến động của nhóm lương thực – thực phẩm, năng lượng và các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục, lạm phát cơ bản theo chỉ số CPI lõi bình quân của năm 2015 tăng 2,05% so với năm 2014.

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu là yếu tố đáng lưu ý nhất, mang tính thuận lợi cho diễn biến lạm phát trong năm 2015. So sánh mặt bằng giá trung bình cả năm, giá dầu thô WTI đã giảm xấp xỉ 47%, từ mức bình quân xấp xỉ 93 USD/thùng của năm 2014 chỉ còn gần 49 USD/thùng cho năm 2015. Tình trạng dư thừa nguồn cung với cuộc cách mạng dầu đá phiến của Mỹ và nỗ lực giữ thị phần của các nước OPEC trong khi nhu cầu năng lượng từ Trung Quốc giảm sút là những nguyên nhân chính khiến giá dầu lao dốc.

Do là một nước nhập khẩu xăng dầu thành phẩm nên giá xăng dầu tại Việt Nam cũng được điều chỉnh giảm, kéo theo chỉ số giá của nhóm nhà ở-vật liệu xây dựng và nhóm giao thông năm 2015 so với năm trước lần lượt giảm 1,62% và 11,92%. Giá gas sinh hoạt trong nước bình quân năm 2015 giảm 18,6% so với năm 2014.

Diễn biến giảm của giá xăng dầu giúp ổn định giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm do tác động đến giá thành và chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, nguồn cung trong năm khá dồi dào; sản lượng lương thực của thế giới tăng nên giá cả có xu hướng giảm.

Về dự báo lạm phát 2016, BVSC cho rằng, mặt bằng so sánh giá cả năm 2015 ở mức rất thấp trong lịch sử sau một nhịp giảm sâu, do đó trong năm 2016 giá cả hàng hóa chỉ cần tăng nhẹ trở lại cũng có thể khiến CPI tăng đáng kể.

Thêm vào đó, diễn biến của chỉ số El Nino cho thấy hiện tượng này đang quay lại mức đỉnh điểm của năm 1997 và có thể còn tiếp tục gia tăng cường độ trong năm 2016 đồng thời đạt mức kỷ lục từ khi theo dõi. Hiện tượng này có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp và cũng là một cơ sở để dự báo về một diễn biến hồi phục của giá nông sản trong năm 2016.

Thứ ba, NHNN đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ được hơn 1 năm qua, qua đó tạo ra mặt bằng lãi suất tiền gửi khá thấp (thấp nhất trong 10 năm trở lại đây). Ảnh hưởng có độ trễ của chính sách nới lỏng cung tiền, mặc dù không quá lớn như trong các giai đoạn trước năm 2011 nhưng cũng có thể góp phần làm cho lạm phát 2016 tăng trở lại so với năm 2015.

Thứ tư, tăng trưởng GDP tiếp tục được cải thiện giúp cho thu nhập của hộ gia đình tăng lên, tác động tới kênh truyền dẫn là cầu tiêu dùng tăng và góp phần làm giá cả hàng hóa tăng trở lại.

Do vậy, BVSC dự báo, nếu kinh tế vĩ mô tích cực lạm phát năm 2016 sẽ ở mức 1-2%, còn ở kịch bản bình thường, lạm phát khoảng 3-5%. Trong trường hợp tiêu cực nhất, lạm phát có thể lên mức 6-7%.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên