MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tỉnh vô tư... chi sai chế độ

Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước NSNN, trình Thường vụ Quốc hội ngày 17.4 đã nêu thực trạng đáng báo động về tình trạng chi sai chế độ

Khi kiểm toán nhà nước phát hiện chi sai chế độ tại cả 34/34 địa phương đầu mối, kiến nghị thu hồi NSNN 648 tỷ đồng, tăng 452 tỷ đồng so với năm 2011.

Thất thu ngân sách “có vấn đề”

Đây chỉ là một trong những vấn đề “chi vượt rào” được chỉ ra trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính và Ngân sách QH về quyết toán NSNN năm 2012.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cho biết, trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp (tăng 1,9%, tương đương 14.072 tỷ đồng) thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán - tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng. Trong đó, có 20/34 tỉnh được kiểm toán có chi quản lý hành chính vượt trên 30%.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng dẫn tình trạng 24/34 địa phương được kiểm toán sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi một số nhiệm vụ khác chưa đúng quy định 1.409 tỷ đồng; hay năm 2012 còn một số khoản thuộc nhiệm vụ chi của NSNN chưa được xử lý vào cân đối ngân sách nhà nước.

Số quyết toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2012 thấp hơn số thuế giá trị gia tăng thực hoàn đến 31.12.2012 là 33.478,34 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm chi trên 5.000 tỷ đồng và tăng thu trên 4.000 tỷ đồng đối với niên độ ngân sách 2012.

Trình bày báo cáo quyết toán NSNN tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quyết toán số bội chi năm 2012 là 154.126 tỷ đồng, so với dự toán vượt 13.926 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP thực tế, nằm trong tỷ lệ bội chi Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, thẩm tra sơ bộ, có ý kiến tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, số bội chi như báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh hết tình hình bội chi như: Chưa tính đủ số hoàn thuế giá trị gia tăng phát sinh trong năm, nợ đọng xây dựng cơ bản, tạm ứng vốn lớn chưa thu hồi. Cho rằng Chính phủ điều hành tăng bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 chưa có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa phù hợp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội “đề nghị Chính phủ cần rút kinh nghiệm”.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cũng nêu thực tế quan ngại khi mới đối chiếu một tỉ lệ rất nhỏ với các đơn vị đầu mối kiểm toán, nhưng số thu ngân sách đã tăng lên. Đối với DNNN, mới đối chiếu số đơn vị là 8%, nhưng nộp ngân sách tăng thu 1.843 tỉ. Khu vực ngoài quốc doanh mới đối chiếu 0,31% tổng số DN, nhưng kiến nghị tăng thuế 765 tỉ. Điều này cho thấy qua kiểm toán năm 2012 thất thu ngân sách có vấn đề.

Sai phạm rõ, vẫn biểu quyết... đồng tình

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị ủy ban thẩm tra của QH và Kiểm toán Nhà nước phải làm rõ vì sao việc thu, chi NSNN năm 2012 còn nhiều hạn chế, bất cập, như thất thu, bội chi... nhưng kết luận cuối cùng của kiểm toán và thẩm tra vẫn đồng ý với con số tổng thu ngân sách 1.058.140 tỷ đồng, tổng chi là 1.170.924 tỷ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra.

Ông đặt câu hỏi: “Có những khoản chi mà qua kiểm toán và thẩm tra thấy hoàn toàn không đúng, vậy có nên đồng ý với quyết toán của Chính phủ về khoản chi đó không? Vì như vậy là ta nhất trí rồi”.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đồng tình cao với báo cáo thẩm tra, nhưng không đồng tình về “thái độ đưa ra QH”. “Kiểm toán nêu ra một loạt sai phạm, rồi thẩm tra cũng nói rõ, nhưng cuối cùng biểu quyết lại nhất trí. Không hiểu thế nào?” - ông đặt câu hỏi.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Vấn đề này rất khó trả lời, vì thất thu đã thất thu rồi. Chi không đúng đã chi rồi”. Còn theo lý giải của Chủ nhiệm UB Tài chính và Ngân sách Phùng Ngọc Hiển, có những khoản chi đã qua, kiểm toán rồi, Quốc hội thông qua rồi, nhưng 10 năm sau mới phát hiện ra thì vẫn phải xử lý, thu hồi.

“Tức phát hiện sai phạm ở năm nào thì xử lý ngay trong năm đó. Tôi chỉ sợ nhất không phát hiện ra các vụ làm sai. Câu hỏi đáng phải đặt ra là liệu trong này có bao nhiêu cái (làm sai) chưa phát hiện ra” - ông Hiển đặt vấn đề.

Có những dự án làm đầu năm, cuối năm hỏng

Chủ nhiệm UB Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu bày tỏ sự lo ngại khi “những tồn tại, vi phạm năm sau giống như năm trước, nhưng trầm trọng hơn mà chưa đưa ra giải pháp nào để xử lý”.

Trước thực trạng nợ thuế năm tăng tới 20.000 tỉ, ủy viên Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần xem xét lại “nếu nợ thuế, thất thu mà cứ phát hành trái phiếu để bù đắp”.

Liên quan đến những đánh giá về thất thoát lớn, lãng phí, sai phạm trong xây dựng cơ bản, ông Nguyễn Văn Giàu yêu cầu Thường vụ QH cần báo cáo QH giải pháp để giảm dần, hay ít ra là tương đồng với các nước khu vực ASEAN, “chứ càng ngày càng thấy sai lớn hơn, mà cứ bàn thế này thì không ổn. Lương tâm không ổn” - ông nói.

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề xuất QH phải yêu cầu Chính phủ xử lý những DN, chủ đầu tư không thực hiện đúng quy định, vì những việc này đã kéo dài hàng chục năm nay. Nếu cứ như vậy mãi “còn đâu là pháp quyền, là quyền lực của nhân dân”.

Ông Ksor Phước lắc đầu trước thực trạng bội chi quá nhiều ở xây dựng cơ bản. “Đi giám sát ở các địa phương, người dân nói một đề án ở đó chưa bằng một con đường ngắn 100-200m ở thành phố. Ở thành phố, mỗi mét là cả tỉ đồng”.

Ông băn khoăn khi bình quân mỗi năm Chính phủ dành 5 tỉ đồng cho mỗi xã đặc biệt khó khăn, nhưng lúc đến thị sát thì không thể biết được “cuối cùng tiền đi đâu?”.

Ông Ksor Phước cho rằng, có lẽ chỉ sáng tỏ nếu có kiểm toán vào. “Có những cái làm đầu năm, cuối năm hỏng. Việc chi cho chương trình mục tiêu quốc gia phải hết sức nghiêm túc. Đây không chỉ là cam kết từ chỉ đạo của Đảng, mà là ý chí của QH, tình cảm của nhân dân cả nước với những người dân khó khăn" - ông nêu.

Liên quan đến những tồn đọng về quyết toán NSNN, Chủ nhiệm Ksor Phước yêu cầu nếu đến năm 2015, quyết toán cho 2013 vẫn tăng thì Bộ trưởng Tài chính phải trả lời trước Quốc hội về trách nhiệm của mình. “Bộ trưởng phải chỉ được đích danh những tỉnh vi phạm. QH không nói chung chung nữa, mà phải xử lý đích danh”.

Theo Tô Phương Thúy

cucpth

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên