Cơ chế tỷ giá trung tâm không tác động nhiều đến nợ công và ngân sách
Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh nhiều hơn, có thể có lên xuống nhưng chắc chắn cũng chỉ duy trì trong biên độ khoảng 3% như hiện nay. Do đó, cơ chế này sẽ tác động không nhiều đến nợ công và ngân sách.
- 05-01-2016Ai lợi, ai thiệt từ cơ chế tỷ giá trung tâm?
- 05-01-2016Tỷ giá trung tâm có giúp minh bạch hóa thị trường?
- 30-12-2015Bộ Tài chính: Nợ công chiếm 61,3%GDP, vẫn đảm bảo chi trả nợ đúng hạn
Việc vận hành cơ chế tỷ giá trung tâm được nhận định là sẽ mang lại lợi ích cho hoạt động xuất nhập khẩu và giúp cho thị trường cung cầu tiền tệ gặp nhau, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng đây cũng là điều kiện để hình thành nên thị trường bảo hiểm tỷ giá trong thời gian tới.
Cơ chế tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra có rất nhiều điểm mới. Vậy theo ông đâu là những điểm khác biệt trong cơ chế điều hành này?
Cần nhớ rằng trước đây đã thực hiện cơ chế giống như vậy, và giờ quay trở lại với cách làm này nhưng không được mở như ngày xưa. Trước ta thực hiện tỷ giá đóng cửa ngày hôm trước để làm tỷ giá tham chiếu ngày hôm sau, tức ra cơ chế hoàn toàn điều tiết, từ giá tham chiếu trên thị trường ngày hôm trước có thể ước tính được ngày mai giá sẽ như thế nào.
Thế nhưng lần này NHNN thực hiện biện pháp tự do hóa nửa chừng, tức là mở rộng, cho phép điều chỉnh tỷ giá tham chiếu ngày hôm sau nhưng NHNN giữ quyền công bố và cách tính như thế nào thì không nói ra, nên không biết trước được.
Song tôi nghĩ thường lấy giá đóng cửa của ngày hôm trước và NHNN dựa vào đó để công bố cho ngày hôm sau thôi. Tức cho phép thị trường biến động với vai trò lớn hơn và giảm sự can thiệp của Nhà nước. Nhưng vai trò can thiệp của NHNN vẫn rất lớn trong trường hợp nếu có biến động quá mạnh.
Nếu hiểu như vậy thì tỷ giá có xu hướng biến động lên xuống theo cơ chế của thị trường chứ không có xu hướng ổn định đi lên như ngày trước mà giờ có lên có xuống.
Không duy trì một cơ chế ổn định như trước đây mà thay vào đó là linh hoạt hơn, tỷ giá có thể có lên có xuống thì liệu có mang đến rủi ro cho nhà đầu tư và doanh nghiệp không, thưa ông?
Sẽ có rủi ro hơn với nhà đầu cơ, đúng như NHNN đã tuyên bố. Tuy nhiên, thực trạng này lại đặt ra yêu cầu và tạo cơ hội thành lập thị trường bảo hiểm tỷ giá, là thị trường mà hiện thị trường tiền tệ đang thiếu.
Còn đối với hoạt động vĩ mô như xuất nhập khẩu và ngân sách theo tôi trong ngắn hạn không có tác động nhiều. Vì về bản chất ta vẫn giữ mục tiêu ổn định tỷ giá, cho biến động trong phạm vi nhất định.
NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá tham chiếu nhưng giá tham chiếu đấy sẽ có tính thị trường hơn, dựa vào biến động ngày hôm trước nên việc điều chỉnh sẽ sát với thị trường hơn. Và như vậy, với hoạt động xuất nhập khẩu thì còn có lợi hơn so với trước đây.
Đưa ra cơ chế tỷ giá mới nhưng vẫn áp dụng biên độ dao động +/-3%. Vậy theo ông xu hướng tỷ giá trong thời gian tới sẽ như thế nào?
Trước đây thường ngân hàng có xu hướng giữ ổn định, tức là giữ tỷ giá thấp nhưng giờ tỷ giá có sức ép lớn và có thể tăng lên. Bởi hiện Trung Quốc đang rơi vào tình trạng kinh tế đình đốn và có thể đồng NDT phải phá giá, tạo nên sức ép cạnh tranh lớn cho hoạt động xuất nhập khẩu, dẫn đến hoạt động này gặp khó khăn nên cung ngoại tệ ít hơn cho NHNN. Và khi các ngân hàng có nhu cầu vượt cung về ngoại tệ thì sẽ gây sức ép lên tỷ giá tham chiếu của ngày hôm trước. Dần dần với sức ép đấy thì NHNN sẽ dần điều chỉnh, có thể tăng tỷ giá.
Tuy nhiên, ngược lại sắp tới dòng vốn đầu tư nước ngoài vào rất nhiều để đón những Hiệp định FTA. Do đó, nhìn từ hai góc độ cán cân vốn và cán cân vãng lai, nếu cân đối theo hai cán cân đấy thì theo tôi nghĩ trong thời gian đầu, nửa năm, trước mắt tỷ giá cũng không biến động nhiều. NHNN điều chỉnh nhiều hơn, có thể có lên xuống nhưng chắc chắn cũng chỉ duy trì trong biên độ khoảng 3% như hiện nay.
Ngoài ra, có khả năng ngân hàng qua đây để giảm sức ép và có ý kiến nói là phải nới tỷ giá thêm một chút nữa, thì có thể sắp tới NHNN thông qua cơ chế công bố tỷ giá điều tiết để sẽ nới dần theo sức ép của thị trường.
Tôi cho rằng việc điều hành tỷ giá của NHNN sẽ căn cứ trên thị trường mua bán liên ngân hàng, căn cứ vào tỷ giá biến động ngày hôm trước để đặt ra tỷ giá tham chiếu cho ngày hôm sau. Còn công thức như thế nào để NHNN đưa ra quyết định đó thì hiện nay vẫn là bí mật.
Với xu hướng NHNN có thể nới dần tỷ giá theo hướng tăng lên như ông vừa phân tích thì liệu điều này có thể tác động đến nợ công và ngân sách?
Tôi cho rằng tác động đến nợ công và ngân sách không nhiều. Bởi nếu tỷ giá nếu được điều chỉnh quá lớn thì mới ảnh hưởng nợ công và ngân sách và như vậy phần trả nợ tăng lên. Do đó NHNN sẽ không để thị trường tự điều tiết mà giữ vai trò điều tiết để không ảnh hưởng nợ công.
Phải lưu ý rằng, dù để thị trường linh hoạt nhưng NHNN vẫn giữ vai trò kiểm soát, tức là không để thị trường tự do biến động, nên tôi cho rằng rủi ro sẽ ít đi.
Bởi khi NHNN điều tiết giữa ngân hàng và thị trường, thì sẽ đảm bảo cung và cầu ngoại tệ gặp nhau dễ dàng hơn. Trước có những lúc tỷ giá niêm yết ở mức thấp nhưng mà DN muốn vay không vay được. Nhu cầu cho vay ít mà nhu cầu đi vay lai nhiều nên rủi ro của người đi vay lớn hơn do phải cộng thêm lệ phí vào đó.
Nhưng với cơ chế hiện nay, ngân hàng cho phép cầu và cung ngoại tệ gặp nhau, chênh lệch không nhiều để đảm bảo cung cầu gặp nhau. Như vậy có thể có sự biến động tỷ giá nhưng bù lại, cung cầu ngoại tệ gặp nhau, cộng với sắp tới hình thành thị trường bảo hiểm tỷ giá thì dùng cơ chế thị trường hoàn toàn có thể bảo hiểm được những rủi ro tỷ giá và loại trừ được những rủi ro đó.