Có phải sự tụt hậu đang gõ cửa và lời hóa giải của vị Tiến sĩ!
Thách thức lớn nhất với cả Nhà nước và doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hội nhập, là có tận dụng được thời cơ trong hội nhập hay không?
- 18-02-2016Hội nhập: Không nên “thách thức hóa” các cơ hội
- 15-02-20164 thách thức hội nhập của doanh nghiệp Việt
- 14-02-2016Doanh nghiệp bán lẻ trước sức ép cạnh tranh khi hội nhập
- 14-02-2016Doanh nghiệp chuẩn bị hành trang để hội nhập thành công
Câu hỏi trên đã được TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế cấp cao, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM đưa ra khi trao đổi với chúng tôi về thách thức và cơ hội của kinh tế và doanh nghiệp trong hội nhập.
Có nền tảng vững chắc hơn
Nếu như 5 năm trước nền kinh tế dồn sức cho ổn định vĩ mô, cắt giảm chi, giảm tín dụng và tập trung mọi nỗ lực chỉ để chống lạm phát, thì nay bức tranh vĩ mô đã đi vào ổn định theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch.
“Chưa bao giờ ta có điều kiện giá cả ổn định để có dư địa cho chính sách tài khóa tiền tệ như hiện nay. Nền kinh tế đã bắt đầu ổn định và phục hồi, đây là cơ hội cho Chính phủ thực hiện mục tiêu tăng trưởng” – TS. Lịch đánh giá.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong tiến trình cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ trên cơ sở sửa hệ thống luật liên quan đến kinh tế và dân sự. Đặc biệt là việc sửa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng hội nhập và phù hợp hơn với thể chế kinh tế mà thế giới đang làm, tạo an toàn pháp lý cho xã hội và người dân làm ăn.
Đặt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều hiệp định tự do thế hệ mới, TS. Trần Du Lịch cho rằng Việt Nam đang đứng trước một vận hội rất lớn để đất nước tận dụng và rút ngắn quá trình Công nghiệp hóa đất nước. Điều đó càng có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ tụt hậu rất lớn mà ngay từ Đại hội Đảng XII đã chỉ ra.
Vẫn còn nhiều "nút thắt" cần giải quyết
Trong khi đó, nhiều vấn đề căn bản của kinh tế vĩ mô vẫn chưa được giải quyết. Theo TS. Trần Du Lịch, việc năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả của nền kinh tế còn hạn chế, là do kéo dài quá lâu mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động rẻ, vốn. Mặc dù nền kinh tế có sự tăng trưởng, nhưng cơ cấu nợ lớn, có nghĩa tăng trưởng dựa trên nợ và hiệu quả thấp.
Vấn đề nợ xấu mặc dù đang được giải quyết, nhưng vẫn đang còn nhiều nút thắt đặt ra khi chưa xử lý được hết gốc rễ của vấn đề, cơ chế pháp lý chưa không ổn định. Hiện nay, DN vẫn phải vay vốn với lãi suất cao mặc dù lạm phát tăng thấp; vấn đề tỷ giá trong bối cảnh biến động thế giới; giải quyết vấn đề nợ công liên quan chính sách tiền tệ trong thời gian tới…
Ngoài ra, đó còn là thách thức trong tái cơ cấu hoạt động xuất nhập khẩu và quy mô thị trường nội địa, cân đối lại thế nào để thị trường nội địa tạo kích thích quan trọng, trong đó có thị trường nông thôn. Cải cách thể chế trên cơ sở cải cách nền hành chính công, dịch vụ công để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp, TS. Trần Du Lịch cho rằng thách thức lớn nhất đặt ra đó là làm sao để DN Việt Nam lớn mạnh. Với thực trạng DN Việt Nam đang kinh doanh theo phong trào, vị chuyên gia đồng thời cũng là thành viên tư vấn của Chính phủ cho rằng, trong 5 năm tới thị trường sẽ tiếp tục thanh lọc DN nếu không làm ăn bài bản.
Vấn đề quản trị hiện cũng đang là nút thắt lớn với DN Việt Nam, đặc biệt trong quản trị tài chính và nhân sự. Ngoài ra, việc đa phần các DN chưa coi trọng mặt pháp lý trong hội nhập cũng sẽ tạo ra nhiều rào cản khiến cho DN khó đi được con đường bài bản.
Do đó, TS Trần Du Lịch cho rằng: “Cần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Đặt trong bối cảnh hội nhập, tôi cho rằng để nâng cao cạnh tranh doanh nghiệp và sản phẩm thì Nhà nước có vai trò rất lớn trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó cần nâng cao thể chế, điều kiện hạ tầng xã hội và đào tạo nguồn nhân lực”.
Thách thức lớn nhất với cả Nhà nước và doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hội nhập, là có tận dụng được thời cơ hay không? Nhìn lại bức tranh kinh tế trong 5 năm qua, TS. Lịch dẫn ra câu chuyện có hàng nghìn DN chết, nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều DN “sống khỏe” nhờ việc dễ dàng hơn trong mua dự án, hợp đồng.
TS. Trần Du Lịch kết luận: “Cơ hội và thách thức phụ thuộc vào năng lực mỗi người tận dụng và nắm được thời cơ như thế nào để phát triển. Doanh nghiệp đối diện vấn đề và vượt qua thì mới phát triển được”.
Đồng thời, cần tránh hai nguy cơ bẫy thu nhập trung bình thấp, và dân số chưa giàu đã già khi 15 năm nữa Việt Nam sẽ không còn nhiều người trẻ. Và để tránh được hai nguy cơ này thì cần đạt trăng trưởng cao và ổn định. Điều này phụ thuộc vào khát vọng và niềm tin của ta, sự thắng thua hiện nay không phụ thuộc vào quy mô lớn hay nhỏ mà cần tư duy chiến lược và nguồn lực.