MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công bố toàn văn TPP: 'Còn mờ ảo lắm'

Ngày 5/11, Bộ Công Thương Việt Nam cùng với cơ quan tham gia đàm phán của 11 quốc gia khác đã chính thức công bố toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP (bản tiếng Anh). Tuy nhiên, bước đầu tiếp cận, nhiều DN cho rằng đây mới là các nội dung cơ bản và chung nhất. Để nhận biết ảnh hưởng thế nào đến DN của mình thì 'còn mờ lắm'- giám đốc một DN cho biết.

Mở ra các thị trường mới

Sau cú sụp đổ của vòng đàm phán Doha năm 2008 (của WTO), chưa có một nhóm nào đi xa được như TPP. Cho đến nay, TPP là một hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, gồm 12 nước tham gia dẫn, đầu đàm phán bởi Mỹ và Nhật, chiếm đến 40% tỷ trọng kinh tế toàn cầu.

Văn kiện vừa công bố của TPP gồm 30 chương, tương ứng 30 nội dung, và nhiều phụ lục liên quan, với tổng cộng hơn 2.000 trang văn bản mà các nước thành viên đã đàm phán trong suốt 5 năm trước đó.

Cho dù còn nhiều nội dung khá mờ đục, chưa rõ ràng nhưng nhìn chung, nếu được thông qua, hiệp định sẽ gỡ bỏ, dần gỡ bỏ hoặc đặt ra mức thuế thấp hơn rất nhiều đối với gần như tất cả các hàng hóa thương mại và mở ra các thị trường châu Á Thái Bình Dương mới.

TPP sẽ gỡ bỏ hoặc cắt giảm mạnh với phần lớn hàng hóa thương mại, từ thịt bò, pho mát, bơ sữa, rượu, đường, gạo, thủy sản, sản phẩm may mặc, cho tới xe hơi, tài nguyên, năng lượng…, cũng như tăng cường hoạt động đầu tư, thương mại về dịch vụ và cả các vấn đề mới như thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho dây chuyền cung ứng.

TPP đặt ra các quy tắc quốc tế trong nhiều vấn đề, từ bảo hộ tài sản trí tuệ đối (như đối với dược phẩm…) đến cả hình thức trọng tài gây tranh cãi khi cho phép nhà đầu tư kiện cáo chính phủ nước ngoài. TPP đề ra những tiêu chuẩn mới cho đầu tư, môi trường, điều kiện lao động, quyền của người lao động.

TPP đề cập đến nhiều nội dung mới như: đòi hỏi DNNN cạnh tranh một cách bình đẳng với khu vực tư nhân, thực hiện nhiều quy định mới nhằm phòng chống tham nhũng và yêu cầu các nước phải có chế tài rõ ràng đối với những tin tặc tấn công vào các tổ chức thương mại.

Ngoài ra, hiệp định thương mại này cũng yêu cầu các quốc gia cho phép lưu thông dữ liệu xuyên biên giới với hầu hết các ngành kinh tế, đặc biệt là ngành tài chính. Bên cạnh đó, hiệp định TPP có thể có những quy định nhằm dỡ bỏ tính độc quyền và bảo hộ đối với ngành công nghệ trong khu vực.

Cũng về mảng tài chính, 12 thành viên TPP cũng cam kết không cố tình phá giá đồng tiền của mình.

Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm khá sơ sài như nội dung chi tiết về mức nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô. Các nhà nhập khẩu giày dép Mỹ cũng phải đợi thuế sẽ kéo dài bao lâu. Một số rào cản vẫn còn như: TPP cho phép Mỹ và Canada có thể áp dụng biện pháp phòng vệ thông qua tăng thuế đối ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản nếu lượng nhập khẩu các mặt hàng này tăng đột biến. Mỹ có thể áp dụng biện pháp này trong 10 năm trong khi Canada là trong 12 năm.

Bên cạnh đó, Hiệp định TPP chưa có các biện pháp trừng phạt hành vi thao túng tiền tệ trong các giao dịch quốc tế hoặc đặt thời gian độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược mới lên tới 12 năm.

Việt Nam hưởng lợi gì?

Theo văn kiện TPP, thuế xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ được gỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực như: dệt may, giày dép, cá ngừ… Mỹ cam kết bỏ thuế ngay lập tức đối với nhiều hàng dệt may từ 11 nước TPP, trong đó có Việt Nam, thay vì mức thuế trung bình 17,5% như hiện tại.

Một điểm lợi nữa, theo văn kiện, là: hàng dệt may của Việt Nam được sử dụng một số loại vải, nguyên phụ liệu ngoài TPP trong vòng 5 năm và vẫn được hưởng ưu đãi thuế đầy đủ theo như quy định trong Hiệp định.

Ngược lại, trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cũng như các nước thành viên cho phép các tổ chức triển khai các dịch vụ tài chính qua biên giới mà không cần phải thành lập chi nhánh, cơ sở hoạt động tại nước sở tại.

Đây có thể là một thách thức mới đối với các tổ chức tín dụng, DN bảo hiểm… Việt Nam. TPP giúp các tổ chức lớn, có công nghệ, có các dịch vụ NH số hóa… dễ dàng thâm nhập vào các thị trường mới, cung cấp nhiều dạng dịch vụ mới cho khách hàng. Họ không nhất thiết phải mở chi nhánh mà thông qua nền tảng công nghệ nên rất dễ vươn xa, vươn rộng và phát triển tại các thị trường mới. Hiện nay, ở Việt Nam, không có NH đủ lớn và không có cơ chế trao đổi thông tin để triển khai các dịch vụ số hóa.

Cơ hội khá nhiều nhưng khó khăn không ít, việc gia nhập một sân chơi kinh tế chuyên nghiệp như TPP đòi hỏi Việt Nam cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp lý cũng như buộc DN làm ăn với cung cách bài bản hơn.

Về dài hạn, TPP sẽ giúp các DN Việt gia nhập các chuỗi cung ứng mới. Gần đây, xu hướng này cũng đã bắt đầu hình thành. Một số tập đoàn, DN lớn trên thế giới, nhất là Hoa Kỳ và Hàn Quốc… đã và đang đầu tư lớn vào điện tử, thủy sản và dệt may Việt Nam, coi Việt Nam như một trung tâm chê biến, chế tạo mới của thế giới.

Hiệp định sẽ khiến nhiều DN Mỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các nền kinh tế có lao động giá rẻ như Việt Nam. Tuy nhiên, nó cũng giúp các DN Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Hiện tại, thị trường Mỹ đã mở rộng cho nhiều loại hàng hóa từ 11 nước TPP trong đó có Việt Nam. Do vậy, việc giảm thuế nói chung theo TPP sẽ giúp Mỹ có thêm nhiều thị trường quốc tế mới. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ do vậy sẽ tăng lên.

TPP chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 5/10/2015. Hiệp định này có sự tham gia của 12 nước gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.

Theo M.Hà

Vietnamnet

Trở lên trên