Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: “Hộp thuốc nhập khẩu 200 USD… bán 14 triệu đồng là vô lý”
Tình trạng chênh lệch giá thuốc nhập khẩu khi được bán với giá cắt cổ khiến cho nhiều đại biểu quan ngại về việc quản lý các sản phẩm này.
- 25-03-2016Đấu thầu thuốc: “Lý thì rất đúng mà tình rất gian!”
- 25-03-2016Siêu thị có thể được bán một số loại thuốc?
- 24-03-2016Kinh hãi bơm nước, tiêm thuốc an thần vô heo
Thảo luận tại hội trường về Luật Dược sửa đổi sáng ngày 25/3 tại Hà Nội, nhiều đại biểu bày tỏ sự búc xúc trước tình trạng giá thuốc và quản lý giá thuốc hiện nay.
Bà Phạm Khánh Phong Lan ( TP Hồ Chí Minh) cho rằng cần phải bổ sung các biện pháp quản lý giá thuốc trên cơ sở phân tích nguyên nhân của một số mặt hàng thuốc giá vẫn còn cao. Nguyên nhân được chỉ ra là hiện có tới 2000 công ty phân phối cũng như rất nhiều tầng lớp trung gian.
“Đó là độc quyền nâng giá, nhiều tầng lớn trung gian và cũng như tiêu cực trong kê đơn. Tôi đề nghị bổ sung quy định hạn chế các tầng lớp trung gian. Nếu như chúng ta hạn chế được tầng lớp trung gian này thì cũng sẽ góp phần sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa” – Đại biểu Lan đề nghị.
Về phía bệnh viện, vị đại biểu này cũng cho rằng không chỉ có một giải pháp đấu thầu mà cần phải định suất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hay Bảo hiểm y tế đàm phán được. Về chuyên môn, phải lưu ý đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chống lạm dụng thuốc cũng như tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị thì mới trị tận gốc được vấn đề tiêu cực trong kê đơn.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) thì chỉ ra thực trạng là hiện nay tình trạng mua bán thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc trên cả nước vẫn chưa được quản lý chặt chẽ. Do đó cùng việc nghiêm cấm lạm dụng vị trí độc quyền thống lĩnh thị trường kinh doanh thuốc để bán phá giá thuốc, tăng giá thuốc trái quy định, cần phải có những chế tài mạnh hơn để quản lý giá thuốc và sử dụng thuốc dễ dãi.
“Trong nghị định của Chính phủ tôi đề nghị cần quy định đầy đủ và chi tiết từ việc quản lý con người đến hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, các quy định về lưu thông phân phối. Trong đó quản lý giá thuốc và chất lượng là ưu tiên hàng đầu” – Đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị.
Vị đại biểu này cũng đặc biệt lưu ý đến việc cần phải quản lý chặt chẽ thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược phân phối độc quyền. Bởi trong quy định là không cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài phân phối thuốc tại Việt Nam, nhưng thực tế khi thuốc nhập đã có hiện tượng lưu thông lòng vòng thổi giá lên.
Thực tế này cũng được đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chỉ ra rằng trong Luật không quy định về việc độc quyền nhập khẩu thuốc. Tuy nhiên, trong thực tế lại có chuyện hạn chế trong quá trình cấp phép và sự hạn chế này đôi khi chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Vì việc hạn chế sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thuốc và qua nhiều tầng lớp trung gian đẩy giá thuốc lên.
Đơn cử, một hộp thuốc chữa điều trị viêm gan C, giá các nhà thuốc lớn nhập về Việt Nam khoảng 200 USD, độ khoảng hơn 4 triệu đồng, trong khi đó người bệnh bây giờ đang phải mua với giá 14 triệu đồng.
“Tôi nghĩ thật vô lý nếu người dân ta còn nghèo mà dùng thuốc giá cao như vậy. Tôi đề nghị rà soát quy định ở trong luật, bổ sung, làm thế nào đó để không có kẽ hở cho việc hạn chế độc quyền nhập khẩu thuốc, dẫn đến tình trạng khan hiếp thuốc và nâng giá thuốc” – Đại biểu Cương đề nghị.