MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội lãi 32.000 tỉ đồng

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết năm 2015, ước lãi thu được từ đầu tư đạt 32.000 tỉ đồng, tăng 27,7% so với 2014.

Sáng 2-3, tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2015.

Theo đó, tính đến hết 31-12-2015, hơn 12 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng gần 5,4% so với năm 2014. Số thu bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 145.600 tỉ đồng, tăng 11,2 % so với 2014. Đồng thời nợ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã giảm xuống gần 940 tỉ đồng tuy số nợ vẫn cao (gần 5.700 tỉ đồng).

Đặc biệt hoạt động đầu tư quỹ cũng có nhiều tiến triển.

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận định rằng đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội có kết dư, đươc bảo toàn, có tăng trưởng. Bình quân lãi suất 7,9% so với mặt bằng lãi suất hiện nay là một chuyển biến tốt.

Cụ thể, trong năm 2015, ước số lãi thu được từ đầu tư đạt 32.000 tỉ đồng, tăng 27,7% so với năm 2014.

Quỹ bảo hiểm xã hội có các hình thức đầu tư cụ thể: ngân sách Nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ, cho Ngân hàng thương mại Nhà nước vay.

Cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tăng dần tỉ lệ cho Ngân sách Nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ, giảm dần tỉ lệ cho Ngân hàng thương mại Nhà nước vay.

Tính đến hết 31-12-2015, số dư đầu tư quỹ đã đạt 435.129 tỉ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về chi phí bộ máy quản lý hiện nay còn lớn, kết quả đạt được không tương xứng.

Năm 2015 số chi quản lý gần 7.900 tỉ đồng, trong đó ngoài chi phí hoạt động bộ máy của cơ quan bảo hiểm xã hội, các đơn vị ngành lao động - thương binh và xã hội, còn một phần lớn phục vụ công tác thu, chi, quản lý đối tượng, chi ứng dụng công nghệ thông tin, chi đầu tư phát triển.

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi yêu cầu Bộ Lao động - thương binh và xã hội, ngành bảo hiểm xã hội phải nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy chi trả bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội nói chung, chuyển sang dịch vụ công khoán chi phí theo hiệu quả đầu ra. Đồng thời phải tổ chức bộ máy chuyên nghiệp, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ.

“Lắm lúc người ta nghĩ anh có cửa, anh tạo ra quyền lực quá cao, khiến tình cảm của người dân tham gia bảo hiểm xã hội không gắn bó”, ông lưu ý.

Theo Vũ Thủy

Tuổi trẻ

Trở lên trên