MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” của TPP

Đối với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” (ngành may khá nhỏ, ngành dệt khá phát triển và có ưu thế chính trị lớn), Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào nước này, sau Trung Quốc.

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO đưa ra tại hội thảo “Hiệp định TPP – Những điều doanh nghiệp cần biết” do Trung tâm WTO tổ chức sáng nay (29/1) tại Hà Nội.

TPP dành một chương riêng về Dệt may

Theo bà Trang, dệt may là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, và thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ.

Trong khi đó, đối với Hoa Kỳ, dệt may là một trong những ngành “nhạy cảm” (ngành may khá nhỏ, ngành dệt khá phát triển và có ưu thế chính trị lớn), Việt Nam lại là nước xuất khẩu lớn thứ 2 vào nước này, sau Trung Quốc.

Do đó, cũng như trong nhiều FTA khác của Hoa Kỳ, theo yêu cầu của một nhóm các nghị sĩ Hoa Kỳ cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp dệt may trong nước, Hoa Kỳ đã yêu cầu đàm phán một chương riêng về dệt may trong TPP, tách ra khỏi đàm phán chương 3 về mở cửa thị trường đối với hàng hóa nói chung.

Trong đàm phán này, hai đối tác đàm phán chủ yếu là Hoa Kỳ (phía mở cửa thị trường) và Việt Nam (phía tiếp cận thị trường), ngoài ra còn có một số đối tác khác quan tâm như Mexico, Australia…

Do được đàm phán riêng nên các vấn đề của dệt may (trừ thuế quan được quy định chung trong biểu thuế quan cho tất cả các hàng hóa) được quy định riêng, khác biệt so với các hàng hóa khác.

Quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”

Bà Trang cho biết, một điểm quan trọng về dệt may trong TPP là quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Quy tắc này được hiểu chung nhất là tất cả các công đoạn sản xuất hàng dệt may từ sợi trở đi, bao gồm kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối TPP.

Đây là quy tắc xuất xứ chặt chẽ nhất về dệt may mà Việt Nam từng cam kết trong một FTA. Các FTA trước đây của Việt Nam, quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may chủ yếu là quy tắc đơn giản “cắt và may”, trừ FTA ASEAN – Nhật Bản và FTA Việt Nam – Nhật Bản là áp dụng quy tắc “từ vải trở đi”.

Theo đó, TPP chỉ chấp nhận 3 mặt hàng được áp dụng quy tắc “cắt và may” là vali, túi xách, áo ngực phụ nữ và quần áo trẻ em bằng sợi tổng hợp.

Ngoài ra, chương Dệt may trong TPP cũng quy định một số ngoại lệ và linh hoạt đối với quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” như nguyên tắc tỷ lệ tối thiểu, các mã nguyên liệu thuộc danh mục nguồn cung thiếu hụt…

Về biện pháp phòng vệ đối với sản phẩm dệt may, bà Trang cho biết, nếu một sản phẩm dệt may của một nước TPP được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định và xuất khẩu sang một nước TPP khác với một khối lượng gia tăng và gây ra thiệt hại nghiêm trọng, hoặc là đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất nội địa của nước đó, thì nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt đối với sản phẩm dệt may đó.

“Trước khi áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt, nếu được yêu cầu bởi nước xuất khẩu, nước nhập khẩu phải tiến hành tham vấn của nước nhập khẩu. Nếu nước nhập khẩu vẫn quyết định áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt, nước nhập khẩu phải đền bù thiệt hại kinh tế do biện pháp này gây ra cho nước xuất khẩu, nếu không nước xuất khẩu có thể tiến hành biện pháp trả đũa về thuế tương đương” – bà Trang nói.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên