MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp trong nước “đủng đỉnh” chờ đợi được hỗ trợ hội nhập

Trong một khảo sát gần đây nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điều ngạc nhiên cho thấy một nhóm không nhỏ doanh nghiệp (khoảng 30% doanh nghiệp được hỏi) trả lời họ không được thông tin về việc Việt Nam đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Những doanh nghiệp không được thông tin là những những doanh nghiệp lần đầu nghe về Việt Nam đàm phán gia nhập TPP qua điều tra PCI2015. Trong số này, doanh nghiệp dân doanh chiếm 31,5%, doanh nghiệp FDI 29,8%,” ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp Chế, Phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.

Từ khảo sát nhìn chung cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đặt nhiều mong đợi việc các cơ quan nhà nước đưa ra các biện pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp trong nước được hưởng lợi ích từ hiệp định TPP và khắc phục những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện tại Việt Nam. Những hỗ trợ này có thể bao gồm bù đắp cho các tác động phân bổ và đào tạo nhằm khắc phục những bất lợi về cạnh tranh của họ.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một thỏa thuận thuận thương mại tự do đang được đàm phán giữa 12 nước bao gồm Brunei, Canada, Chile, Mỹ, Malaysia, Mexico, New Zeland, Nhật Bản, Peru, Singapore, Australia, Việt Nam.

Hiệp định này được kỳ vọng sẽ trở thành hiệp định thương mại kiểu mẫu của thế kỷ 21 với các cam kết cả gói về nhiều lĩnh vực. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ đem lại những cam kết ở mức độ cao hơn nhiều so với các cam kết có trong Tổ chức thương mại tự do thế giới (WTO) và bao gồm nhiều lĩnh vực mới chưa có trong WTO.

Theo giới chuyên gia trong nước và quốc tế, triển vọng kết thúc đàm phán TPP trong năm 2015 là khả quan. Mặc dù gặp nhiều chỉ trích nặng nề về việc giữ kín thông tin và thiếu minh bạch của các cuộc đàm phán, song dự kiến các bên đàm phán sẽ hoàn thành bản dự thảo đầu đủ hiệp định trong nửa đầu năm 2015.

Ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh: "Như thấy ở trên, các doanh nghiệp Việt Nam biết rất ít về TPP và họ cần hướng dẫn về cách thức để chuẩn bị tốt nhất cho những tác động của hiệp định.”

Theo kế hoạch, năm 2015 cũng là một năm quan trọng và quyết định đối với ASEAN, bởi mười quốc gia thành viên đang hướng tới hội nhập và hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế chung (AEC).

Tuy nhiên một khảo sát trước đó cũng cho thấy, 76% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về Cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE), 94% doanh nghiệp không hiểu rõ về nội dung đàm phán trong AEC, 63% doanh nghiệp không hiểu về những cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia AEC.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng chỉ ra, về hội nhập phần đông doanh nghiệp Việt Nam không trả lời được những câu hỏi then chốt, như cơ cấu ngành hàng trong bối cảnh hội nhập hay sản phẩm, dịch vụ nào có nguy cơ bị cạnh tranh trực tiếp từ các quốc gia trong khối ASEAN, cũng như những giải pháp tiên liệu ứng phó cạnh tranh từ các doanh nghiệp Việt còn rất lúng túng.

“Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ biết đến năng lực cạnh tranh từ các doanh nghiệp quốc tế lớn. Trong khi tới đây, doanh nghiệp nội địa sẽ trực tiếp đối đầu cạnh tranh với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đến từ ASEAN, họ thực chất là có tiềm lực về vốn, sức bền, năng động và đặt biệt là kỹ năng bán hàng,” ông Nam quan ngại.

Trong một cuộc gặp gỡ báo chí hồi trung tuần tháng Tư, ông Nam đã thẳng thắn chỉ ra, thăm dò và thống kê từ các hội doanh nghiệp khu vực tỉnh, thành, kể từ đầu năm đến nay có hơn 10.000 đại diện doanh nghiệp đến từ các nước Singapore, Thái Lan… đến thăm dò thị trường Việt Nam.

“Các doanh nghiệp trong khu vực đã chủ động tìm kiếm thông tin, tìm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam được đánh giá là tiềm năng với hơn 90 triệu dân. Họ không cần chờ đợi đến thời điểm AEC chính thức khởi động mà hiện đã đủ các phương án bán hàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt,” ông Nam nói.

Đánh giá về những thách thức hội nhập của nền kinh tế, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế  Việt Nam cảnh báo, “Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết hàng loạt hiệp định hội nhập ở đẳng cấp rất cao, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa rất yếu, trình độ quản trị quốc gia không cao, năng suất lao động thấp, trình độ lao động thua kém nhiều nước trong khu vực và thế giới”.

>>>Để trụ vững với TPP, AEC và các FTA, doanh nghiệp cần nhìn xa hơn

Theo Hạnh Nguyễn

PV

VIETNAM+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên