Du lịch “mơ” thu về 370.000 tỉ đồng
Năm 2016, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách du lịch nội địa.
- 18-01-2016Du lịch Việt "không có gì mới", giá cao
- 15-01-2016Nghề du lịch cần có tiêu chuẩn để hội nhập thị trường lao động ASEAN
- 15-01-2016Du lịch TP HCM dẫn đầu cả nước
Tuy đặt ra mục tiêu tổng thu từ khách du lịch đạt 370.000 tỉ đồng nhưng ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thừa nhận năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn chưa cải thiện nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Nhiều hạn chế
Theo ông Tuấn, nguyên nhân chậm cải thiện năng lực cạnh tranh chủ yếu do nguồn lực phát triển của đất nước còn hạn chế, nhận thức xã hội về vai trò của du lịch chưa đầy đủ, liên kết giữa các bộ ngành, địa phương thiếu chặt chẽ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Người đứng đầu ngành du lịch cho rằng công tác quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh và an toàn tại một số địa bàn trọng điểm chậm được cải thiện, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng, nguồn lực còn hạn chế, bị phân tán.
Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, xúc tiến còn thực hiện theo kế hoạch ngắn hạn, dàn trải, phối hợp công - tư chưa tốt. Công tác xây dựng đề án, quy hoạch định hướng, đề xuất chính sách phát triển mới chưa đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn, chưa có tư duy đột phá chiến lược.
Còn theo nhận định của những chuyên gia trong ngành, sản phẩm du lịch chưa tạo ra đột phá mang tính sáng tạo và giá trị gia tăng cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn yếu và tự phát. Tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển du lịch của nhiều địa phương chưa được khai thác hiệu quả. Tại một số địa phương, doanh nghiệp có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế.
Quảng bá thua xa Campuchia!
Để thu được 370.000 tỉ đồng, theo ông Tuấn, ngành du lịch có rất nhiều việc phải làm. Trong năm nay, Tổng cục Du lịch sẽ mở rộng thêm diện miễn thị thực cho khách quốc tế. Theo đó, thị thực sẽ không miễn theo quốc tịch mà khách mua tour trọn gói vào Việt Nam sẽ không cần visa. Những công ty du lịch lữ hành tổ chức tốt các tour trọn gói có thể đưa khách quốc tế vào Việt Nam với thủ tục đơn giản hơn. “Ngành du lịch kỳ vọng cú hích này sẽ thu hút khách nhiều hơn” - ông Tuấn nói.
Hiện nay, thị trường khách trọng điểm của Việt Nam là Tây Âu, Nga, Đông Bắc Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc chiếm 50% khách du lịch đến Việt Nam; các nước ASEAN (16%). Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, sắp tới sẽ đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm khách du lịch mới ở Bắc Mỹ, Ấn Độ… Bên cạnh đó, sẽ tăng cường liên kết quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Ông Tuấn thừa nhận quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam thua xa Campuchia. Vì vậy, năm nay, công tác này đòi hỏi phải có những đổi mới mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp và hiệu quả. “Tổng cục Du lịch đã chủ động rất nhiều so với các năm trước, như sớm công bố chương trình quảng bá, xúc tiến năm 2016 để các địa phương, doanh nghiệp phối hợp, cùng tham gia” - ông Tuấn nói.
Theo đó, sẽ có những thay đổi đáng kể trong “phân vai”: các bộ ngành quảng bá hình ảnh chung về đất nước, con người Việt Nam, thương hiệu du lịch; các địa phương quảng bá điểm đến; doanh nghiệp xúc tiến bán sản phẩm. Tài chính quảng bá không chỉ từ ngân sách mà khai thác từ các công ty lữ hành, hãng hàng không, đối tác trong và ngoài nước…
Kỳ vọng vai trò của các địa phương
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Tổng cục Du lịch không căng lực lượng vốn rất mỏng của mình cho các hội chợ mà giao lại cho địa phương, như Hà Nội đảm nhận 4 sự kiện lớn tại hội chợ ở Bắc Kinh, Nhật Bản, Pháp và Mỹ. Mỗi hội chợ như vậy, Sở Du lịch TP Hà Nội cam kết chi từ 2-4 tỉ đồng. Mức quảng bá này nhiều hơn bất kỳ sự kiện nào mà Tổng cục Du lịch từng giam gia”.
TP HCM chủ trì tham gia 3 hội chợ du lịch ở Thái Lan, Nga và Đài Loan. Tổng cục Du lịch chỉ chi trả tiền thuê mặt bằng, TP HCM sẽ xây dựng gian hàng và huy động các doanh nghiệp tham gia. Với cam kết như thế, Tổng cục Du lịch chỉ tập trung vào những sự kiện lớn với nguồn đầu tư cao hơn.