MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá dầu thô giảm mạnh: Đừng chỉ lo thu ngân sách

Theo các chuyên gia, không thể lấy lý do thu ngân sách nhà nước sụt giảm vì giá dầu thô để tăng thuế. Thậm chí, cần xem đây là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào bán tài nguyên.

Đề xuất tăng thuế VAT bù thu ngân sách?

Sáng 6/2, tại tọa đàm “Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam”, do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF) tổ chức, TS Lương Văn Khôi (Trưởng ban Kinh tế thế giới của NCIF) cho biết: Tới thời điểm này, mọi dự báo về giá dầu của các tổ chức trong và ngoài nước đều sai. Thực tế, giá dầu thô thế giới giảm mạnh và sâu hơn rất nhiều các dự báo trước đó.

Về ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, TS Khôi đưa ra 3 kịch bản với giá dầu. Theo đó, nếu giá dầu thô thế giới còn 50 USD/thùng ngân sách nhà nước sẽ hụt thu hơn 6.600 tỷ đồng; nếu giá dầu 40 USD/thùng thu ngân sách nhà nước mất 7.600 tỷ đồng; nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng ngân sách sẽ hụt thu hơn 8.600 tỷ đồng. Cùng với đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ mất từ 1-1,45 tỷ USD.

Để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm, TS Khôi và cộng sự đề xuất 2 biện pháp chính là giảm lãi suất cho vay và tăng thuế giá trị gia tăng (VAT).

Tuy nhiên, ở phần ngược lại, theo các chuyên gia giá dầu giảm sẽ hỗ trợ sản xuất, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, đặc biệt là GDP và giá cả sẽ hưởng lợi. Theo TS Khôi, Việt Nam là nước phải nhập gần 70% xăng, dầu thành phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong cả 3 kịch bản giá dầu thô kể trên, GDP đều tăng đáng kể. “Giá dầu giảm nền kinh tế Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng quá tiêu cực như dư luận lo ngại thời gian qua, dù ngân sách hụt thu nhưng đổi lại sản xuất sẽ được kích thích”, TS Khôi nói.

“Nếu chỉ tính hụt thu ngân sách từ giá dầu thô rồi đòi tăng thuế trong nước là không xác đáng. Đặc biệt khi doanh nghiệp đang rất khó khăn”.

TS Lưu Bính Hồ

TS Lê Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Quản lý Dầu khí (Viện Dầu khí Việt Nam, thuộc Tập đoàn Dầu khí - PVN) cho biết: “Với Việt Nam, giá dầu giảm mỗi USD, PVN sẽ hụt thu hàng nghìn tỷ đồng. Đồng thời, đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng giảm từ 1.000 - 1.200 tỷ đồng”.

Về khả năng PVN cắt giảm sản lượng do giá dầu thô xuất khẩu thấp hơn giá thành khai thác, TS Trung cho hay: “Lãnh đạo tập đoàn đang rà soát, xem xét các mỏ khai thác, mỏ nào chi phí bao nhiêu, dựa trên mức giá thành sẽ có quyết định khai thác tiếp, giảm sản lượng hoặc tạm dừng. Tuy nhiên, việc đóng mỏ sau này mở lại cũng rất tốn kém, phức tạp”, TS Trung nói.

Các chuyên gia đều đồng tình giá dầu thô thế giới khó tăng cao trở lại trong thời gian 1 năm tới (không thể lên mức 100 USD/thùng), do cung dầu thô vẫn lớn hơn cầu. Ngoài ra, giá dầu còn chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, sự cạnh tranh giữa nguồn dầu truyền thống của các nước khu vực Trung Đông, Nga và dầu đá phiến của Mỹ…

Không thể chỉ tính mỗi ngân sách

TS Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo trong 2 năm tới (2015-2016) giá dầu thô thế giới chỉ duy trì mức 50-60 USD/thùng (khó lên mức 70 USD/thùng như một số cơ quan Việt Nam dự báo). Với Việt Nam, theo TS Tuyến, sản lượng dầu thô xuất khẩu khoảng 8,5 triệu tấn, nhưng đồng thời cũng nhập về 7-8 triệu tấn xăng, dầu thành phẩm mỗi năm. “Hiện thuế nhập khẩu xăng, dầu khoảng 30%, ngoài ra còn thuế VAT, thuế môi trường… nguồn thu này đóng góp vào ngân sách không hề nhỏ. Khi xem xét về giá dầu thô chúng ta phải đánh giá 2 chiều. Hơn nữa, ngân sách hụt thu 3-4 nghìn tỷ đồng từ dầu thô cũng chưa ảnh hưởng gì nhiều”, ông Tuyến nói. Do đó, ông Tuyến không đồng tình với đề xuất tăng thuế VAT để bù phần hụt thu ngân sách do giá dầu giảm.

Chuyên gia kinh tế - TS Lưu Bính Hồ cũng đồng tình, hụt thu ngân sách từ giá dầu thô giảm không đáng ngại, có thể bù thu từ giảm chi tiêu. Như ngành Giao thông năm 2014 mới rà soát 25 dự án, đã tiết kiệm được hơn 5.200 tỷ đồng. “Do đó, nếu chỉ tính hụt thu ngân sách từ giá dầu thô rồi tăng thuế trong nước là không xác đáng. Đặc biệt, khi doanh nghiệp đang rất khó khăn. Chúng ta kêu gọi ngân hàng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, giờ lại tăng thuế, khiến doanh nghiệp đã khó càng thêm khó. Thu ngân sách cần theo hướng khoan sức dân, không phải nhân lúc này để siết sức dân”, TS Hồ nói.

TS Hồ cho rằng, giá dầu giảm là áp lực rất tốt để chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, tạo nguồn thu bền vững từ tăng năng suất lao động, cải thiện công nghệ, thay vì mãi đào tài nguyên để bán. “Các chuyên gia nước ngoài vẫn khuyên Việt Nam nên giảm khai thác, đừng quá ỷ lại vào nguồn thu từ bán tài nguyên”, TS Hồ nói.

>>>Biến động giá dầu và các kịch bản tác động đến kinh tế VN trong năm 2015

Theo Lê Hữu Việt

PV

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên