Giữ an toàn nợ công, đầu tư phải hiệu quả
Trước bối cảnh các nguồn vốn ưu đãi đang bị thu hẹp, vấn đề đặt ra để đảm bảo an toàn nợ công quốc gia tại thời điểm này chính là phải thắt chặt quản lý các nguồn vốn và nâng cao hiệu quả đầu tư.
- 23-03-2016Gánh nặng gần 250.000 tỷ đồng trả và đảo nợ năm 2016, nợ công sẽ căng thẳng trong 10 năm tới
- 23-03-2016Không còn được vay ODA, Chính phủ muốn địa phương chia sẻ rủi ro nợ công
- 22-03-2016Nợ công sẽ phải trả sớm hơn với lãi suất cao hơn
- 11-03-2016Ỷ lại vào đầu tư từ Nhà nước sẽ tăng rủi ro an toàn nợ công
- 10-03-2016Bộ Tài chính: Cứ tâm lý trông chờ vào Nhà nước thì nợ công sẽ vượt trần
An toàn bị “đe dọa”
Nợ công là nguồn vốn cần thiết và quan trọng để bổ sung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Rất nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường,... đã được hoàn thành, phát huy hiệu quả từ nguồn vốn này.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình, dự án đang được triển khai, góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác y tế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, góp phần phát triển KT-XH của đất nước.
Tuy nhiên, nợ công đang tăng nhanh. Trong giai đoạn từ 2010 - 2015, tổng huy động nợ công của Việt Nam đạt bình quân 14% GDP, chiếm khoảng 44% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội, tốc độ tăng bình quân hàng năm nhanh (mức 18,6%/năm). Theo công bố mới nhất của Bộ Tài chính, đến ngày 31-12-2015, nợ công ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,1% tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
Như vậy, chỉ tiêu nợ Chính phủ cao hơn 1,4% GDP so với dự đoán và vượt giới hạn cho phép là 0,3% GDP. Tuy dư nợ công chung vẫn được đảm bảo trong giới hạn an toàn song việc nợ Chính phủ vượt ngưỡng cho phép 0,3% GDP cho thấy một nguy cơ không nhỏ.
Không chỉ vậy, một thách thức khác cũng đang được đặt ra đối với công tác quản lý nợ công là điều kiện huy động vốn đang ngày càng thu hẹp. Trước năm 2010, Việt Nam được hưởng nguồn vốn ODA từ nước ngoài rất rẻ và dài hạn, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn. Từ 2010, khi Việt Nam chính thức trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn này giảm dần.
Giai đoạn từ 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Đặc biệt, tới tháng 7-2017, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ chính thức tuyên bố chấm dứt ODA với Việt Nam, sau đó sẽ là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức tài chính khác. Như vậy, sau khi “tốt nghiệp” nguồn vốn ODA từ các nhà tài trợ từ năm 2017, Việt Nam sẽ phải chuyển sang vay thương mại, tiến gần đến điều kiện thị trường trong giai đoạn tới.
Thắt chặt hầu bao
Từ cuối năm 2015, trước bối cảnh tốc độ nợ công tăng nhanh và xuất phát chủ yếu từ áp lực gia tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển cộng với khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi ngày càng thấp đi, Bộ Tài chính cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt hơn để giữ đảm bảo an toàn nợ công.
Chia sẻ vấn đề này, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết: Một trong những biện pháp được Bộ Tài chính triển khai là xây dựng cơ chế tăng cường cho vay lại chính quyền địa phương.
Ngoài áp lực từ việc đảm bảo an toàn nợ công, nguyên nhân để Bộ Tài chính quyết liệt đưa ra cơ chế này xuất phát chủ yếu từ thực trạng cấp vốn cho địa phương thời gian qua. Thống kê 10 năm qua, vốn cho vay lại tới chính quyền địa phương khoảng 15,5 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng nguồn vốn vay cấp ra. Cơ cấu vốn cho vay lại đầu tư vào cơ sở hạ tầng chiếm 38%; phát triển đô thị 35%; giảm nghèo 23%, dịch vụ xã hội 4%. “Điểm đặc biệt trong thời gian qua, trong tổng số tiền đã cấp cho chính quyền địa phương thì 92,15% là cấp phát” – ông Trương Hùng Long nhấn mạnh.
Không chỉ chiếm con số lớn, hiện trạng sử dụng vốn ODA của các địa phương còn nhiều bất cập. Điều dễ nhận thấy nhất là sự thiếu bình đẳng giữa các địa phương. Thực tế có tình trạng địa phương có sức hút lớn, thu hút được nhiều dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn nhưng lại đồng thời nhận cấp phát từ NSNN. Trong khi đó, nhiều địa phương nghèo lại rất hạn chế trong việc tiếp cận vốn, thường chỉ tập trung vào một dự án cho vay lại như nước nông thôn, điện nông thôn… Xét về chính sách, mặc dù, cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương đã được xác lập trong Luật Quản lý nợ công, song cơ chế này vẫn chưa được phát huy, vốn chủ yếu vẫn là cấp phát như một khoản viện trợ, trợ cấp cho các địa phương.
Trong dự kiến của Bộ Tài chính, tỷ lệ cho vay lại chính quyền địa phương được xác định theo điều kiện của nguồn vốn (vay ODA và vay ưu đãi). Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA chia làm 5 nhóm theo bậc thang có tính đến điều kiện kinh tế xã hội, và mức độ khó khăn của các nhóm địa phương. Cụ thể: Tỷ lệ cho vay lại là 10% với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương (NSTW) so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên; là 20% với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ NSTW so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%; là 30% với địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ NSTW so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%; là 50% với địa phương có điều tiết về NSTW và 80% đối với Hà Nội, TP.HCM. Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 2 nhóm. Dự kiến, địa phương nhận bổ sung cân đối từ NSTW áp dụng tỷ lệ vay lại là 70% và địa phương điều tiết về NSTW áp tỷ lệ vay lại là 100%.
Nói một cách khác, “với cơ chế này, quyền, nghĩa vụ trong việc vay, trả nợ giữa NSTW và ngân sách địa phương sẽ được tách bạch rõ ràng, đồng thời, tăng tính trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc nâng cao tính chủ động và hiệu quả sử dụng vốn vay, góp phần quản lý hiệu quả nợ công. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp khi sắp tới, năm 2017, Luật NSNN 2015 sẽ chính thức có hiệu lực với quy định ngân sách địa phương được phép bội chi; tức là xác lập quyền vay nợ và nghĩa vụ trả nợ của địa phương” – đại diện cơ quan quản lý nợ công nhận định.
Phụ thuộc phần lớn vào hiệu quả đầu tư
Xét từ khía cạnh quản lý, đơn vị chủ trì là Bộ Tài chính đã đưa ra giải pháp “đối mặt” với sự mất an toàn nợ công có thể xảy đến. Song, nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có nỗ lực đó thôi thì chưa đủ và việc quản lý nợ công hiệu quả phần lớn phụ thuộc vào hiệu quả của việc đầu tư, sử dụng nguồn vốn.
Trao đổi với báo giới bên lề kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII, Ủy viênThường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ cho rằng: Cân đối NSNN đang phải chịu áp lực nặng nề. Trong điều kiện công tác thu NSNN gặp nhiều khó khăn, nguồn thu chỉ đảm bảo được chi thường xuyên với nhiều khoản chi cần thiết để thực hiện chính sách chi cho giảm nghèo, tăng lương theo lộ trình, chú trọng an sinh xã hội, chú trọng con người, ưu tiên giáo dục đào tạo… và một phần trả nợ. Với nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn để tạo môi trường cạnh tranh thuận lợi, phần lớn số chi dành cho đầu tư phát triển buộc phải dựa vào vốn vay.
“Trong bối cảnh khó khăn đó, ngành Tài chính vẫn đảm bảo được số thu tương đối tốt. Đó là sự tiến bộ, nỗ lực, tích cực” - đại biểu Bùi Đức Thụ đánh giá. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một tồn tại là việc xây dựng dự toán không tính được hết tiến độ giải ngân các dự án nên có trường hợp kế hoạch giải ngân thực tế cao hơn nhiều so với kế hoạch đặt ra, gây áp lực ngược lại với chi NSNN. “Theo tôi, trách nhiệm này thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đơn vị xây dựng kế hoạch về vốn đầu tư” – đại biểu nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về những giải pháp khi “nguy cơ vỡ nợ”, đại biểu Bùi Đức Thụ cho rằng: Nhiệm kỳ nội các tới đây cần phải đặt mục tiêu giảm nợ công, giảm bội chi NSNN lên thành trọng yếu để điều hành quyết liệt hơn. Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết Đại hội Đảng XII cũng đã quy định, những quyết sách cụ thể của từng năm sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét ngay tại kỳ họp thứ nhất khi cho ý kiến vào Kế hoạch tài chính trung hạn, Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chiến lược nợ công,... để làm cơ sở pháp lý cho Chính phủ triển khai. Một điểm quan trọng nữa là Chính phủ phải điều hành chặt tay hơn, kỷ luật tài chính phải được tăng cường theo đúng quy định đã được thể chế hóa trong Luật NSNN 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Việc cuối cùng cần làm là giám sát, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, cần phải làm rõ trách nhiệm với những tổ chức cá nhân, đặc biệt là đối với người đứng đầu trong quá trình điều hành ngân sách những năm tới.
“Có như vậy, nợ công quốc gia, an ninh tài chính và bội chi NSNN mới được duy trì trong giới hạn an toàn” – ông Bùi Đức Thụ nhấn mạnh.
Báo Hải Quan