MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khởi động mới ở vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Miền Trung Việt Nam được xem là "mặt tiền" của đất nước trong quan hệ kinh tế toàn cầu. Thế nhưng, hiện miền Trung đã chuẩn bị được gì trước vận hội mới này? Đặc biệt Đà Nẵng, đô thị được xem là đầu tàu của cả khu vực?

Tiềm năng lớn, năng lực nhỏ

Miền Trung không chỉ ở trung độ trên các trục giao thông chính Bắc - Nam cả về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, có ý nghĩa chiến lược về giao lưu kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây, mà còn có quan hệ chặt chẽ với Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan và Myanmar, là cửa ngõ ra biển của các tuyến hành lang Đông - Tây nối với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương.

Với lợi thế địa - kinh tế này, cộng thêm những tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động dồi dào, đã tạo điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang thương mại quan trọng nằm giữa 2 Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam, cũng như kết nối giữa khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng với khu vực Đông Bắc Á và khu vực Đông Nam Á.

Nếu nhìn tiềm năng về kinh tế biển, thì chính địa bàn này là nơi tập trung nhất về thế mạnh của kinh tế biển; đóng vai trò "mặt tiền" của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế, là địa bàn trọng yếu để bảo vệ chủ quyền biển của đất nước...

Thế nhưng, khu vực này hiện vẫn là vùng phát triển chậm. Trong chuỗi đô thị miền Trung, Đà Nẵng là địa chỉ mà cả nước đặt nhiều kỳ vọng nhất. Cả Bộ Chính trị cũng có riêng nghị quyết (NQ33) để tạo điều kiện cho Đà Nẵng phát triển, trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung.

Là đô thị động lực với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ, là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế... trung tâm bưu chính - viễn thông và tài chính - ngân hàng; một trong những trung tâm văn hoá - thể thao, giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước...

Khởi động mới ở "đầu tàu"

Đã gần 20 năm kể từ ngày chia tách tỉnh, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cũng là chừng đó năm Đà Nẵng đã bứt phá, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, trở thành một địa phương năng động bậc nhất khu vực miền Trung, được cả nước và thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, thắng lợi đó không thể mãi duy trì nếu không có một hướng đổi mới.

Ngay từ khi nhậm chức, tân Bí thư TP.Đà Nẵng - Nguyễn Xuân Anh đã tỏ rõ quan điểm: Đã đến lúc Đà Nẵng phải tìm hướng đi mới, bứt phá lên để phát triển kinh tế xã hội, xứng đáng với sự mong chờ của Trung ương là trở thành đô thị "đầu tàu" của khu vực miền Trung. Cụ thể là sẽ tạo cơ chế đặc biệt, chính sách ưu đãi để những DN lớn vào đầu tư tại Đà Nẵng.

Sự tái khởi động này được Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: Định hướng, bước đột phá đó về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 là phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm...

Cũng theo Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng, phát triển kinh tế nhanh, bền vững phải gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đến năm 2020, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại dịch vụ, du lịch chất lượng cao, thành phố sự kiện của khu vực và cả nước.  

Các giải pháp kèm theo là phải nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch và quản lý đô thị; tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, có môi trường sống tốt. Bổ sung quy hoạch phát triển không gian đô thị hợp lý. Nâng hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; rà soát, xóa bỏ các dự án quy hoạch treo, thu hồi đất dự án chậm triển khai.... Nâng bình quân thu nhập đầu người lên 4.000-4.500USD. Dù đây vẫn là mức rất thấp so với bình quân thu nhập của các nước trên thế giới (12.000 USD), song cũng là mục tiều đầy khó khăn, đang kỳ vọng.

Đà Nẵng đã từng nổi bật cả nước về tốc độ chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, tự hào là địa phương thực hiện tốt quản lý đô thị, nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân TP, tạo thành niềm tự hào, sự hãnh diện riêng mang đậm thương hiệu "Đà Nẵng - TP đáng sống".

Tuy vậy, sự khởi động lần này (nhiệm kỳ này) nếu không thực chất, không đi vào thực tiễn cuộc sống thì sẽ có nguy cơ tụt hậu. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường quốc tế thuận lợi là cơ hội để phát huy vị trí và vai trò của "đầu tàu" Đà Nẵng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức.

Theo An Thượng

Báo Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên