MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không còn được vay ODA, Chính phủ muốn địa phương chia sẻ rủi ro nợ công

Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA ưu đãi nên Nhà nước chỉ tập trung nguồn vốn vào những lĩnh vực then chốt và thu hẹp phạm vi cấp phát từ Ngân sách.

Tổng số vốn ODA vay ưu đãi trong 10 năm gần đây mà Việt Nam đã ký kết là khoảng 45 tỷ USD, trong đó có khoảng 1/3 vốn dành cho các chương trình, dự án của địa phương.

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính quốc tế (Bộ Tài chính) trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2% và vốn cho vay lại chỉ chiếm 7,8%.

“Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước, cho đến nay hầu hết Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng. Cơ quan cho vay lại chỉ có vai trò là ngân hàng phục vụ và hưởng phí dịch vụ” – ông Long nói.

Trong khi đó, đến tháng 7/2017 Việt Nam sẽ không còn được vay vốn ODA khi các đối tác chuyển dần sang các nguồn ưu đãi thấp hơn và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Đồng thời, nguồn vốn ODA đã vay cũng sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 – 3,5%.

Trong điều kiện cấp phát vốn ODA các địa phương đã khiến cho việc sử dụng nguồn vốn này bộc lộ nhiều hạn chế và Nhà nước phải chịu toàn bộ rủi ro. Tính hợp lý trong phân bổ nguồn vốn giữa các địa bàn còn bất cập, trong khi việc duy trì cơ chế bao cấp từ Trung ương trong thời gian dài đã tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước.

Dẫn đến, hoạt động đầu tư ở địa phương còn dàn trải, chưa thực sự hiệu quả; tình trạng chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ở không ít dự án. Cơ chế này cũng chưa thực sự khuyến khích chủ đầu tư sử dụng vốn tiết kiệm, hiệu quả.

Trong bối cảnh đó, ông Long cho biết việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đang đặt ra nhiều vấn đề. Theo đó Nhà nước nên tập trung nguồn vốn ODA vào lĩnh vực then chốt, dự án công trình trọng điểm và thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách Nhà nước và giảm tính bao cấp trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài.

Theo đó, nguồn vốn vay ODA Chính phủ sẽ thực hiện cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng. Tỷ lệ cho vay lại được xác định theo điều kiện của nguồn vốn, dự kiến được chia làm 05 nhóm bao gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương.

Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm hai nhóm gồm nhóm các tỉnh nhận trợ cấp và nhóm các tỉnh có điều tiết về trung ương.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên