Kiến nghị xây dựng phần mềm quản lý thuốc nhập khẩu
Để quản lý chặt chẽ thuốc nhập khẩu qua đường phi mậu dịch của cá nhân, tổ chức, Cục Hải quan TP.HCM đã kiến nghị Tổng cục Hải quan xây dựng phần mềm quản lý trong toàn quốc.
Theo Cục Hải quan TP.HCM, thuốc nhập khẩu theo đường phi mậu dịch của các tổ chức, cá nhân qua các cửa khẩu trên địa bàn TP.HCM không nhiều, chủ yếu được gửi kèm theo dạng quà biếu nhập khẩu qua đường bưu điện.
Trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với bưu kiện nhập khẩu, Cục Hải quan TP.HCM đã phát hiện nhiều vụ nhập khẩu thuốc vượt định mức theo quy định. Các vụ nhập khẩu thuốc vượt định mức chủ yếu do Đội thủ tục hàng hóa XNK 3 – Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh phát hiện.
Trong thời gian qua, để theo dõi số lần thuốc nhập khẩu trong tháng, trong năm, Đội thủ tục hàng hóa XNK 3 đã phối hợp với Bưu điện TP.HCM xây dựng chương trình theo dõi số lần nhập khẩu thuốc của cá nhân trong nước.
Còn các điểm thông quan khác, số lượng thuốc nhập khẩu không nhiều nên việc theo dõi số lần nhập khẩu thuốc được thực hiện bằng sổ ghi chép. Hiện tại, Cục Hải quan TP.HCM chưa có chương trình kết nối theo dõi số lần nhập khẩu thuốc trong toàn Cục.
Khi thực hiện Thông tư số 39/2013/TT-BYT ngày 15-11-2013 của Bộ Y tế quy định về quản lý thuốc chữa bệnh cho người theo đường xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch có hiệu lực từ ngày 1-1-2014 (thay thế Thông tư số 01/2007/TT-BYT ngày 17-1-2007 của Bộ Y tế), Cục Hải quan TP.HCM gặp vướng mắc trong việc dõi số lần nhập khẩu thuốc.
Theo đó, tại Khoản 3, Điều 4 của Thông tư 39/2013/TT-BYT có quy định tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu theo đường phi mậu dịch nhưng tổng giá trị thuốc nhập khẩu không quá trị giá tương đương 100 USD (tính theo tỷ giá liên ngân hàng) một (1) lần, số lần nhận thuốc tối đa không quá 3 lần trong một năm cho một cá nhân, tổ chức.
Việc Bộ Y tế quy định số lần nhận thuốc tối đa không quá 3 lần trong một năm cho tổ chức, cá nhân nêu trên đã gây khó khăn cho cơ quan Hải quan, do hiện nay chưa có chương trình theo dõi, quản lý số lần nhập khẩu thuốc của tổ chức, cá nhân trên phạm vi toàn quốc, mà chỉ theo dõi được trong phạm vi của một Cục Hải quan địa phương.
Từ thực tế nhập khẩu thuốc theo đường phi mậu dịch như trên, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị Cục Giám sát Quản lý về Hải quan- Tổng cục Hải quan tham mưu xây dựng phần mềm quản lý nhập khẩu thuốc thực hiện trên phạm vi toàn quốc để có thể quản lý số lần nhập khẩu thuốc theo đường phi mậu dịch của tổ chức, cá nhân theo đúng tinh thần của Thông tư số 39/2013/TT-BYT ngày 15-11-2013 của Bộ Y tế.