MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MobiFone tách khỏi VNPT: Cùng là đối tác để phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giai đoạn 2014-2015.

Mục đích của quyết định này nhằm tiếp tục phát triển VNPT, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; giữ vai trò chủ lực trong ngành viễn thông Việt Nam.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Bùi Quốc Việt - Giám đốc Trung tâm Thông tin và quan hệ công chúng VNPT xung quanh vấn đề này.

- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 888/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu VNPT giai đoạn 2014-2015. Xin ông cho biết lộ trình thực hiện tái cơ cấu của VNPT sẽ được thực hiện như thế nào?

Ông Bùi Quốc Việt: Khi có quyết định chính thức của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án tái cấu trúc VNPT, ngay sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã có hội nghị quán triệt cũng như chỉ đạo thực hiện lộ trình để VNPT thực hiện tái cấu trúc.

Có thể nói, trong thời gian qua VNPT đã chủ động thực hiện những nội dung tái cấu trúc tập đoàn và hiện nay VNPT đang tiếp tục triển khai những nội dung tái cấu trúc Tập đoàn. Cụ thể, ngày 10/7, Bộ Thông tin và Truyền thông và VNPT đã ký biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thông tin di động VMS MobiFone và Học viện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo đó, VNPT sẽ bàn giao nguyên trạng bộ máy tổ chức cũng như nhân sự của MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài sản, công nợ, nguồn vốn của 2 đơn vị sẽ được VNPT bàn giao trên cơ sở báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2014.

Việc tách MobiFone là bước đi đầu tiên trong lộ trình thực hiện đề án tái cơ cấu VNPT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Với Cục Bưu điện Trung ương cũng là một trong ba đơn vị mà VNPT chuyển về Bộ và chậm nhất là tháng 1/2015 VNPT sẽ hoàn tất nội dung để chuyển về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hiện VNPT đang xây dựng đề án thành lập 3 tổng công ty gồm VNPT Net, VNPT Media, VNPT VinaPhone để trình Bộ Thông tin và Truyền thông và Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý III /2014.

Cùng với việc xây dựng đề án thành lập 3 tổng công ty trên, VNPT cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông sớm xây dựng dự thảo Nghị định về điều lệ của Tập đoàn với vốn điều lệ 72.000 tỷ đồng để có thể ban hành ngay trong tháng 8/2014.

Ngoài ra, VNPT đang xây dựng phương án tổ chức hoạt động kinh doanh để khai thác hiệu quả hai vệ tinh VINASAT 1 và VINASAT 2; triển khai thoái vốn tại các công ty và tổ chức lại Công ty Tài chính Bưu điện. Còn lại một số công việc khác như quản trị doanh nghiệp, cấu trúc lại kinh doanh, triển khai tái cấu trúc cũng như sắp xếp lại lao động, các đơn vị… chúng tôi cũng sẽ triển khai ngay trong năm nay.

Bên cạnh việc tái cấu trúc VNPT, chúng tôi phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ giao trong năm 2014 với khối lượng công việc nhiều gấp đôi. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đã thực hiện triển khai đồng bộ hoàn thành nhiệm vụ năm 2014 và triển khai Tái cấu trúc Tập đoàn.

VNPT cũng thí điểm việc tách kinh doanh cũng như sắp xếp lại ở 3 đơn vị thành viên là VNPT Đà Nẵng, VNPT Tiền Giang, VNPT Nghệ An với kết quả ban đầu rất tốt. Hiện chúng tôi đang rút kinh nghiệm để triển khai trong những bước tiếp theo.

- Chiến lược tái cấu trúc lần này có gì khác so với trước thưa ông?

Ông Bùi Quốc Việt: Chắc chắn là khác nhiều, Tập đoàn sẽ phải thoái hết vốn đang nắm giữ tại 63 doanh nghiệp ngoài ngành. VNPT tập trung vào lĩnh vực chính là viễn thông và đa phương tiện - đây là những thế mạnh của VNPT về hạ tầng, về mạng lưới cũng như về khách hàng và những dịch vụ lâu đời của VNPT.

Bên cạnh việc chuyển MobiFone; Bưu điện Trung ương; Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, các bệnh viện đa khoa, bệnh viện điều dưỡng và phục hồi chức năng tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, các trường trung học bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin tại Hà Nam, Tiền Giang, Thái Nguyên vốn trực thuộc VNPT nay cũng sẽ được điều chuyển về các địa phương quản lý.

VNPT tổ chức lại các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ viễn thông hiện nay thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ Viễn thông (VNPT - VinaPhone) để quản lý, điều hành kinh doanh dịch vụ viễn thông, trở thành doanh nghiệp hạch toán độc lập thay vì phụ thuộc như trước đây.

Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hoạt động kinh doanh sản phẩm phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng, truyền thông hiện nay của VNPT sẽ được tổ chức lại thành Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Truyền thông (VNPT - Media) để kinh doanh, cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin, truyền thông đa phương tiện và các dịch vụ ứng dụng viễn thông. Các công ty, đơn vị, bộ phận đang quản lý hạ tầng mạng lưới viễn thông thì được tổ chức lại thành Công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net).

Đồng thời, tổ chức lại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cáp quang FOCAL và Công ty cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông thành một công ty con của VNPT để thực hiện chức năng nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh sản phẩm, thiết bị bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin.

Lâu nay, VNPT rất nhiều đầu mối, cơ chế cũng như cách tổ chức liên quan đến đầu mối, nhưng sau này chúng tôi sắp xếp thu về một đầu mối (một cửa). Trước đây, khách hàng đến giao dịch phải liên quan đến nhiều đơn vị nay chỉ giao dịch với một đơn vị. Đồng thời, chúng tôi áp dụng mạnh mẽ quản trị thông tin, đánh giá nhân viên phát huy hiệu quả tạo động lực tối đa cho người lao động, khuyến khích cán bộ ,công nhân viên thỏa sức sáng tạo và thực hiện ý tưởng đem lại hiệu quả tốt nhất.

- Thực hiện đề án tái cấu trúc ngoài việc phục vụ khách hàng tốt hơn thì vấn đề cổ phần hóa VNPT gặp những khó khăn, thuận lợi gì?

Ông Bùi Quốc Việt:
Việc tái cấu trúc Tập đoàn, tách MobiFone và Học viện ra khỏi VNPT cũng gặp một số khó khăn. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Bắc Son cũng đã nêu, việc tách MobiFone ra là một khó khăn trực tiếp đối với VNPT về doanh thu, cũng như lợi nhuận.

Tuy nhiên, lâu nay MobiFone là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và gần như hoạt động độc lập so với các đơn vị khác trong Tập đoàn nên tách ra trên cơ sở điều kiện nguyên trạng cũng không ảnh hưởng nhiều lắm về điều kiện chia tách, nhưng tác động đầu tiên là sẽ giảm doanh thu của tập đoàn. Do đó, Nhà nước trên cơ sở đó sẽ xem xét đến doanh thu, lợi nhuận của VNPT. Về phía MobiFone vẫn sử dụng lợi nhuận để tái tạo lại sản xuất cũng như lợi ích chung của MobiFone, còn Tập đoàn vẫn thực hiện điều tiết theo quy luật của Nhà nước nên việc tách ra không ảnh hưởng nhiều lắm.

- Thưa ông, có thể hình dung cục diện thị trường viễn thông sẽ như thế nào khi MobiFone và VinaPhone giờ không còn chung một chủ sở hữu và trở thành "đối thủ"?

Ông Bùi Quốc Việt: Chúng tôi cho rằng tách ra thì tất nhiên sẽ trở thành hai doanh nghiệp hoạt động độc lập, khác nhau, nhưng bất cứ thành công nào thì chúng ta cũng cần hợp tác với nhau. Chúng tôi không coi nhau là "đối thủ" mà coi nhau như một đối tác mới để tiếp tục cùng nhau phát triển và chắc chắn VNPT cũng tiếp tục hợp tác mạnh mẽ với MobiFone, cũng như hợp tác với Vietell để tận dụng thế mạnh của nhau phát triển tạo thị trường cạnh tranh thật sự.

Với truyền thống của mình, ngay cả MobiFone và VinaPhone cũng phải hợp tác với nhau nhiều hơn nữa trên cơ sở trước đây cùng một "mẹ", cùng một tổng, một Tập đoàn. Các bên cùng cố gắng để cùng nhau phát triển và cùng mang lại lợi ích cũng như cạnh tranh trên cơ sở Pháp luật nhà nước để làm sao các bên đều phát huy thế mạnh của mình.

- Một trong những điểm nghẽn hiện nay đó là chia sẻ về hạ tầng. Vậy khi đã trở thành ba mạng riêng biệt thì việc chia sẻ hạ tầng sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ông Bùi Quốc Việt:
Vẫn phải chia sẻ hạ tầng như VNPT mạnh về cơ sở hạ tầng hơn so với MobiFone thì phải bàn bạc. Trước đây trên cơ sở là giao nhiệm vụ, kết hợp với nhau làm, nay tách bạch ra thành một hợp đồng kinh tế với nhau trên cơ sở đảm bảo lợi ích đôi bên giữa VinaPhone và MobiFone và đảm bảo lợi ích xã hội.

>>>Chia tay Mobifone: Lợi nhuận của VNPT đi về đâu?
Theo Trần Hằng

cucpth

TTXVN/Vietnam+

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên