MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nền kinh tế có thể phải đối mặt với những rủi ro do phụ thuộc nhiều vào bên ngoài

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp FDI; nợ công tiếp tục tăng nhanh, bội chi ngân sách nhà nước lớn.

Tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước còn chậm là một trong những cơ sở khiến cho Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định nền kinh tế trong thời gian tới có thể phải đối mặt với những rủi ro. Báo cáo tổng quan thị trường tài chính Việt Nam năm 2015 vừa được cơ quan này công bố đã đưa ra nhận định như vậy.

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, năm 2015, Việt Nam đã đạt thành tựu kép, vừa kiểm soát lạm phát (0,63%) và duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Năm 2016, dự báo mức tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7-6,8%, CPI từ 3-3,5%.

Báo cáo cũng chỉ rõ, hạ tầng tài chính Việt Nam được củng cố tích cực với việc sắp xếp, sáp nhật, giải thể 11 tổ chức tài chính, nâng cao tính minh bạch, tăng cường quản trị rủi ro.

Năm 2015, gần 800 nghìn tỷ đồng tương đương gần 19% GDP đã cung ứng cho nền kinh tế thông qua kênh tín dụng ngân hàng, phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường vốn.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhìn nhận, nền kinh tế đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào khối doanh nghiệp FDI; nợ công tiếp tục tăng nhanh, bội chi ngân sách nhà nước lớn.

Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, bày tỏ lo ngại khi tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, mức độ tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI, trong khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước vẫn còn chậm.

“Chúng ta còn phụ thuộc bên ngoài nhiều. Tái cơ cấu DN nhà nước chuyển biến tốt tuy còn chậm. Thị trường chứng khoán suy giảm, tỷ lệ cổ phần hóa nắm giữ của tư nhân đối với DN Nhà nước vẫn thấp” – Ông Phước đánh giá.

Dự báo năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể cải thiện do các hiệp định thương mại tự do được ký kết và triển khai thực hiện. Ổn định kinh tế vĩ mô có điều kiện thuận lợi để tiếp tục duy trì; hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều triển vọng, cả về tăng trưởng cũng như huy động vốn; kiểm soát nợ xấu ở mức thấp (dưới 3%).

Bên cạnh đó, thị trường tài chính giai đoạn 2016-2020 cần vốn đầu tư khoảng 10 triệu tỷ đồng, song Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng mức đầu tư này còn khiêm tốn, chưa tương xứng, cho dù việc cân đối đủ nguồn vốn cho phát triển kinh tế đang là thách thức không nhỏ.

Đồng thời, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng khuyến cáo nền kinh tế có thể phải đối mặt những rủi ro như giá nhiên liệu và hàng hóa chủ chốt vẫn biến động thất thường. Khu vực nông nghiệp tăng trưởng chậm, tốc độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu nhiều lĩnh vực còn chậm.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên