MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập siêu và nợ công dưới góc nhìn của Đại biểu Quốc hội

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nền kinh tế vẫn còn một số hạn chế như sản xuất nông nghiệp khó khăn; nhập siêu và nợ công liên tục tăng cao; tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước và FDI chưa hợp lý…

Sáng nay (8/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về tình hình phát triển KT-XH và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2015.

Phát biểu tại phiên thảo luận, hầu hết các vị Đại biểu Quốc hội đều nhất trí đánh giá, năm 2014 nền kinh tế cơ bản đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đề ra, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng, mặt bằng lãi suất giảm, thặng dư thương mại 3 năm liên tiếp. Tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2015 đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số hạn chế như sản xuất nông nghiệp khó khăn; nhập siêu và nợ công liên tục tăng cao; tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp trong nước và FDI chưa hợp lý…

Nhập siêu là nỗi lo

Theo Đại biểu Huỳnh Nghĩa – Đoàn Đại biểu TP Đà Nẵng, trong cơ cấu xuất nhập khẩu của nước ta, khu vực FDI vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Bất cập lớn nhất của xuất khẩu là hàng nông sản sơ chế vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Trong khi, nước ta lại nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị, việc nhập khẩu máy móc chỉ phục vụ cho nền kinh tế thụ động, hạn chế tham gia vào chuỗi giá trị. Xuất khẩu hàng tiêu dùng nhiều, chủ yếu là hàng gia công dệt may da giày.

Còn theo Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn Đại biểu Quảng Trị, cán cân thương mại 5 tháng đầu năm 2015 diễn biến xấu, nhập siêu đến giữa tháng 5 đã lên tới con số kỷ lục 3,7 tỷ USD. Khu vực FDI liên tục xuất siêu, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu lớn.

Đại biểu Đồng, mặc dù nguyên nhân của việc nhập siêu đã được đưa ra nhiều lần, song vẫn chưa triệt để. Ở đây cần phải chỉ ra, nguyên nhân chính của sự sụt giảm là sức cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đang có xu hướng giảm sút do VND tăng giá, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Trong khi đó, nhập khẩu hàng tiêu dùng, kể cả hàng tiểu ngạch gia tăng đáng kể cũng liên quan đến vấn đề tỷ giá.

Nợ công đã chạm mốc “nguy hiểm”, nợ xấu vẫn là gánh nặng cho nền kinh tế

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng nay, Đại biểu Huỳnh Nghĩa – Đoàn Đại biểu TP Đà Nẵng đánh giá, nợ công của Việt Nam đang tăng ở mức độ cao. Tỷ lệ nợ công/GDP “ngấp nghé” ngưỡng 65%, trong khi đó nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách cũng gần chạm mức 30%.

Bên cạnh đó, về vấn đề xử lý nợ xấu, theo Đại biểu Nghĩa, nợ xấu lên đến hàng trăm ngàn tỷ đã bị VAMC bắt nhốt lại, nhưng nợ xấu vẫn còn nguyên và là gánh nặng cho nền kinh tế. VAMC mới bán được khoảng 2-3% nợ xấu mỗi năm.

“Nhiệm vụ trong thời gian tới là tập trung giải quyết nợ công. Giảm nợ công không phải bằng cách giảm vay mà phải thực sự đầu tư có hiệu quả” – Đại biểu nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề nợ công, Đại biểu Hà Sỹ Đồng – Đoàn Đại biểu Quảng Trị cho rằng, bội chi Ngân sách và nợ công năm 2014 có thể khả quan. Tuy nhiên, năm 2015 có vượt dự toán hay không còn phụ thuộc nhiều ẩn số. Bộ chi ngân sách cao, kéo dài nhiều năm sẽ tạo sức ép lớn buộc Chính phủ phải huy động thêm nhiều nguồn lực để giảm bội chi ngân sách.

Nguyệt Quế

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên