MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nước lương 10 nghìn USD vẫn thấp, ở Việt Nam 10 nghìn USD chia nhiều người thì tham nhũng thôi

Lương thấp đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

Nhiều trăn trở với những thành tựu kinh tế xã hội được Chính phủ báo cáo trong đầu kỳ họp vừa qua đã khiến Đại biểu Đỗ Văn Đương (Đoàn TPHCM) phải đặt câu hỏi: Những kết quả đạt được đã thực sự tạo sự chuyển biến cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân?

Dẫn chứng là, nợ nước ngoài ở mức cao, nợ công cũng ngày càng tăng lên và tiến sát mức trần. Bội chi ngân sách hàng năm cũng luôn tăng cao khi trong 5 năm qua, lên tới 1 triệu tỷ đồng. Việt Nam cũng là nước có thành tích hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, mỗi năm thu về khoảng 3 tỷ USD nhưng riêng uống bia rượu cũng mất tới 3 tỷ USD.

Chi thường xuyên cho khối hành chính mỗi năm mất tới 400.000 tỷ đồng, trong khi thu ngân sách thì không đáp ứng được. Đại biểu Đương nói: “Nếu tăng lương đủ thì cũng tiêu hết số thu ngân sách này. Thu ngân sách ko nuôi đủ bộ máy hành chính. Vấn đề này rất nguy hiểm”.

Trước áp lực chi thường xuyên quá lớn, đặc biệt là chi cho bộ máy hành chính, Đại biểu Đương ủng hộ chủ trương tinh giảm biên chế. Thế nhưng, vấn đề đặt ra là sẽ tinh giảm như thế nào? Bởi hiện nay có rất nhiều đề án được xây dựng, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt... nhưng vẫn chưa đâu vào đâu.

“Riêng khâu thủ tục thôi cũng đã rất nhiêu khê rồi, xin hết cấp này tới bộ nọ mới được cắt giảm” – Đại biểu Đương nhận xét.

Do đó, Đại biểu Đương cho rằng việc giảm chỉ tiêu biên chế phải được giao cho cơ quan tổ chức trung ương. Cụ thể, khối hành chính sự nghiệp phải giao chỉ tiêu giảm, đưa cụ thể số lượng và giảm dần dần. Đồng thời cần phải nhất thể hoá 1 số chính sách giữa Đảng và chính quyền; bớt tầng lớp cán bộ phong trào, tầng lớp trung gian, đoàn thể.

Đồng thời, chính sách tiền lương cho các cán bộ phải đảm bảo được chất lượng sống. Theo ông Đương, phải coi trọng chuyên môn và trả đồng lương xứng đáng. Dẫn chứng là ở nhiều nước lương chuyên gia giỏi 10 nghìn USD vẫn còn là thấp, nhưng ở Việt Nam 10.000 USD thì được chia cho nhiều người. Với mức lương thấp như vậy nên hệ quả sẽ dẫn tới tham nhũng.

So sánh ví von cũng được ông Đương đưa ra rằng, hiện một ông nông dân đang phải cõng tới 4 ông quan béo, cho thấy tham nhũng đang là gánh nặng cho người dân. Công chức cả làng, cả xã nên dẫn tới chuyện "bình quân chủ nghĩa" trong công việc.

Ông Đương đặt câu hỏi: “Cần phải xem nhiều dự án, cụm dự án... có bóng dáng quan chức, có cổ phần của họ không? Do đó, thời gian tới phải coi trọng chống tội phạm tham nhũng. Phải là những quan chức đánh có trọng tâm trọng điểm, thì mới chấn chỉnh bộ máy phía dưới. Người đứng đầu tấm gương là quan trọng”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng thẳng thắn chỉ ra rằng hiện nay vấn đề tham nhũng đang được đặt ra khi nhiều cử tri phát biểu, có chi phối bởi lợi ích nhóm không? Nghị quyết Quốc hội cũng chỉ ra vấn đề lợi ích nhóm, nhưng theo Đại biểu Tâm, tại sao không chỉ ra cụ thể nhóm nào?

“Vậy lợi ích nhóm có chi phối, có lũng đoạn lợi ích nhóm không? Làm luật có chi phối bởi lợi ích nhóm không? Khi góp ý Văn kiện đại hội 12, ta nói có nhiều nguyên nhân về tham nhũng lãng phí nên nhân dân có giảm sút niềm tin” – Bà Tâm chỉ ra.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên