MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết đầu tư công: Có khả thi?

Để siết lại đầu tư công, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa có hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước xây dựng kế hoạch đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2014-2015

Ông đánh giá thế nào về tác dụng của chủ trương siết đầu tư công?

- TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương: Văn bản thông báo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư chính là nhắc nhở lại Chỉ thị 1792 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai dự án đỡ chậm trễ, dàn trải, tăng hiệu quả đầu tư, giảm tham nhũng, thất thoát.

Tuy nhiên, tính cụ thể của thông báo này không cao, khi triển khai rất khó vì giữa áp lực hiện tại, cả ổn định vĩ mô và tái cấu trúc, nhìn đầu tư công trong bối cảnh trung và dài hạn còn rất nhiều mâu thuẫn. Vì vậy, trên tinh thần là như thế nhưng phải có quyết sách tổng thể và mạnh mẽ hơn.

Cũng phải lưu ý rằng nếu thắt chặt đến mức tất cả đều không dám làm thì sẽ không có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn khó khăn, tìm được người quyết đoán, dám làm dám chịu là rất khó. Đó là chưa kể việc xác định trách nhiệm người ra quyết định đầu tư trong bối cảnh các dự án đầu tư công thường gắn với khoản tiền khổng lồ, chỉ riêng điều chỉnh tỉ giá đã mất tiền tỉ.

Vì vậy, chúng ta cần có cái nhìn tổng thể hơn, đặc biệt là đưa ra được chương trình về tái đầu tư công, tạm gọi đó như một cẩm nang để có định hướng mà thực hiện. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, việc thực hiện tái cấu trúc đầu tư công cần phải có các nhân tố quyết đoán. Nếu như vậy thì rõ ràng thông báo này chưa thể tới tầm.

Thực tế, tái cơ cấu đầu tư công được khởi động từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn còn ì ạch. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Chương trình tái cơ cấu nền kinh tế gồm 3 trọng tâm là hệ thống tài chính, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đầu tư công. Đến nay đã có văn bản tổng thể về tái cơ cấu lĩnh vực tài chính và DNNN; riêng đầu tư công vẫn chưa có đề án vì đây là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực như môi trường, nợ công, ngân sách nhà nước.

Về nguồn vốn đầu tư công cũng rất phức tạp vì được bố trí từ ngân sách, trái phiếu, tín dụng, vốn ODA cho vay lại và cả vay tín dụng của DNNN. Bên cạnh đó, đầu tư công còn liên quan đến phân quyền từ Trung ương đến địa phương, liên quan đến vấn đề pháp lý mà Việt Nam cần hoàn thiện hoặc làm mới nhiều luật liên quan đến ngân sách, mua sắm Chính phủ hay Luật Đầu tư công mà vừa rồi đưa ra trình Quốc hội cũng tranh cãi rất nhiều.

Đó là chưa nói đến những vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải xử lý như giữ ổn định kinh tế vĩ mô, nợ xấu, tái cấu trúc mà quá trình này phải có chi phí, lợi ích, nhân lực vật lực… Sự phức tạp như đã nói ở trên phần nào giải thích tại sao tái cấu trúc đầu tư công đến nay vẫn chưa có dữ liệu.

Đầu tư công của Việt Nam gắn với khu vực DNNN trong khi đây là khu vực kinh doanh kém hiệu quả. Đây có phải là nguyên nhân khiến quá trình tái cơ cấu đầu tư công gặp nhiều khó khăn?

- Đã nói đến DNNN hay đầu tư công bao giờ cũng có 2 vấn đề không bao giờ giải quyết được triệt để. Đó là xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Lý do rất đơn giản, tiền là tiền của chung nhưng lợi ích lại là của tôi. Nói nôm na là tôi làm nhưng rủi ro người khác chịu, tôi cứ cho vay nhưng không phải chịu trách nhiệm mà việc đi tìm thủ phạm rất khó.

Chính vì vậy người ta cần thị trường, cần giảm khu vực DNNN và tăng cường giám sát, giải trình, minh bạch để hạn chế những xung đột nói trên. Nhưng ngay cả có làm thế thì cũng không giải quyết triệt để được vì nó là bản chất.

Theo Bộ Kế hoạch-Đầu tư, trong giai đoạn 2014-2015 chỉ tập trung bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của các ngành, các địa phương.

Đầu tư công lớn nhưng kém hiệu quả

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong giai đoạn 10 năm từ 2001-2010, tổng đầu tư toàn xã hội của Việt Nam trung bình đạt 40% GDP, thuộc vào diện cao nhất thế giới và có tốc độ tăng trên 18%/năm. Trong đó, tỉ trọng đầu tư công chiếm khoảng 40% tổng đầu tư toàn xã hội.

Đáng lưu ý là nguồn vốn đầu tư công ở Việt Nam còn bao gồm các dự án cho mục đích kinh doanh thuần túy của DNNN nên sự kém hiệu quả của khu vực này là một trong những nguyên nhân kéo hiệu quả đầu tư toàn xã hội xuống thấp.

Mặc dù chiếm khoảng 40% tổng đầu tư cả nước nhưng khu vực DNNN chỉ tạo ra khoảng 10% việc làm trong khi khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ chiếm 35% tổng đầu tư nhưng lại tạo ra 87% việc làm cho nền kinh tế. Không chỉ lớn về quy mô, đầu tư công còn mang tính dàn trải và kém hiệu quả do mất cân đối nghiêm trọng giữa nhu cầu vốn đầu tư và khả năng huy động vốn. Chính sự mất cân đối này đã kéo theo tình trạng đầu tư dàn trải, thời gian thi công kéo dài gây thất thoát, lãng phí và ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Bước ngoặt lớn trong đầu tư công rất có thể được đánh dấu bằng đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020 với 3 mục tiêu chính cho tái đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị 1792/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Chỉ thị này được xem là đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức về đầu tư công với kỳ vọng sẽ khắc phục được căn bệnh đầu tư dàn trải, kém hiệu quả kéo dài hơn một thập kỷ qua.

P.Anh

Theo  Tô Hà

cucpth

Người lao động

Trở lên trên