MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thương hiệu tiêu dùng nhanh nào tăng trưởng nhanh nhất thị trường?

Trong quý 3/2015, ngành hàng đồ uống vẫn đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của toàn ngành (38%) và đạt mức tăng trưởng 9,9%, chủ yếu nhờ tăng sản lượng (+7,3%)

Mức tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng tăng trưởng trở lại trong quý 3 vừa qua với mức tăng 4,5% (so với 0,9% của quý trước). Mức tăng này chủ yếu đến từ việc tăng sản lượng lên đến 3,6% (so với 0,0% trong quý trước), theo báo cáo Market Pulse hằng quý của Công ty Nielsen.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc Cấp Cao – Trưởng Bộ phận Dịch vụ Đo lường bán lẻ, Nielsen Việt Nam nhận xét: "So với các quốc gia khác trong khu vực Châu Á - TBD, nơi mà mức tăng trưởng của ngành hàng FMCG luôn dao động ổn định quanh mức 5% mỗi quý trong suốt 2 năm qua, thì mức tăng trưởng của Việt Nam chưa bao giờ đạt 5% trong bất kỳ quý nào trong khoảng thời gian này".

Khi chia nhỏ ngành hàng tiêu dùng nhanh thành 7 ngành hàng lớn là: thức uống (bao gồm cả bia), thực phẩm, sữa, sản phẩm chăm sóc gia đình, sản phẩm chăm sóc cá nhân, thuốc lá và sản phẩm chăm sóc em bé, thì chỉ có mỗi ngành hàng đồ uống cho thấy được sự tăng trưởng ổn định trong cả ngắn hạn và dài hạn.

Cũng theo Nielsen, trong các sản phẩm nước giải khát thì các nhãn hàng có sự tăng trưởng đều đặn như nhãn hàng Kun của Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế IDP có mức tăng trưởng 25% trong năm thứ hai; nhãn hàng trà Ô Long Tea+ của tập đoàn Suntory PepsiCo Việt Nam tăng trưởng tới 56%; đặc biệt là nhãn hàng Nutriboost của Cocacola tăng trưởng tới 84%...

Tuy nhiên, các ngành khác vẫn gặp nhiều khó khăn như thực phẩm, sản phẩm từ sữa... Theo báo cáo này của Nielsen, sức khỏe là một yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó là xu hướng về kích thước sản phẩm từng ngành hàng cho thấy rõ quan niệm về sự tiện lợi và xu hướng sáng tạo/đổi mới.

Báo cáo của Nielsen cũng chỉ ra rằng yếu tố này đòi hỏi nhà sản xuất phải nỗ lực rất nhiều để đầu tư, nghiên cứu xem cách nào để mở rộng ngành hàng đang có thay vì chỉ cung cấp các yếu tố mới cho sản phẩm sẵn có. Đây chính là yếu tố chính yếu để tạo ra sự sáng tạo đột phá nhằm mang lại một sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

 

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên