Tiến sĩ Võ Trí Thành: Cơ hội lớn để nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu Việt Nam
Với TPP và FTA Việt Nam – EU, Việt Nam được quyền tiếp cận nhiều thị trường rộng lớn với sức mua cao nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, EU… Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước, cũng như nhà đầu tư nước ngoài “tìm hiểu” Việt Nam.
- 25-01-2016Tập đoàn Thái Lan tăng cường đầu tư tại Việt Nam
- 22-01-2016Hàn Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam
- 13-01-2016Thái Lan lo ngại các nhà đầu tư rút vốn sang Việt Nam vì TPP
-
Nhiều khả năng tổng mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay chỉ khoảng 2%
-
Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và cũng nhằm khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn từ trước khi diễn ra
Trong cuộc trao đổi với chúng tôi về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, TS. Võ Trí Thành - Nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) đã chia sẻ về những cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Thưa ông, chúng ta đã kết thúc năm 2015 với nhiều thành tựu ấn tượng như tăng trưởng cao nhất 8 năm, lạm phát thấp nhất 14 năm… Cùng với đó là kết thúc đàm phán và ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng. Ông đánh giá thế nào về mức độ hội nhập của Việt Nam?
TS. Võ Trí Thành: Nhiều ý kiến cho rằng, với một đất nước còn đang tiến lên cơ chế thị trường, trình độ phát triển, đời sống còn nhiều khó khăn và năng lực thể chế còn nhiều yếu kém mà năng nổ tham gia các FTA như Việt Nam là một nghịch lý. Đây là việc mà nhiều nước lớn còn e ngại.
Nhưng liệu có phải chúng ta đang đi quá nhanh so với năng lực và trình độ của mình không? Theo tôi là không. Nhanh nhất phải kể đến năm 1989, khi đó nền kinh tế của chúng ta mở cửa chỉ trong một đêm. Đến nay Việt Nam đã trải qua 30 năm đổi mới, 25 năm hội nhập, cũng đã học hỏi và rút ra được nhiều bài học kinh nghiệp.
Tiến trình hội nhập sâu rộng cho thấy những bước ngoặt mà Việt Nam cần thay đổi để phát triển. Chúng ta cần chơi với những người giỏi hơn để có thể học hỏi và thúc đẩy cải cách.
Theo các tính toán thì Việt Nam được hưởng lợi lớn nhất khi tham gia TPP, tính tương đối so với xuất khẩu và GDP. Tất nhiên, bên cạnh những ngành hưởng lợi sẽ có những ngành gặp khó khăn. Nhưng nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam vẫn được lợi.
Trước đây với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn là một thị trường cao cấp và khó tính với những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt nhưng chỉ sau 1-2 năm, Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Điều này cho thấy, tuy khó khăn, thách thức nhiều nhưng thực tiễn đã chứng minh ta làm được.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng thu hút đầu tư của Việt Nam sau khi tham gia TPP và FTA Việt Nam-EU?
Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), nhưng đặc biệt nhất là TPP và FTA Việt Nam – EU mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; đồng thời cũng mở rộng đầu tư trong nước.
Với TPP và FTA Việt Nam – EU, Việt Nam được quyền tiếp cận nhiều thị trường rộng lớn với sức mua cao nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Canada, EU… Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước, cũng như nhà đầu tư nước ngoài “tìm hiểu” Việt Nam.
Bên cạnh đó, niềm tin vào cải cách của Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn vì hai hiệp định này có nhiều điều khoản liên quan đến cải cách, chính sách, quy chế, điều tiết như DNNN, cạnh tranh, thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, tiêu chuẩn lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ... Quá trình này thúc đẩy cải cách thể chế ở Việt Nam, tạo niềm tin cho nhà đầu tư về một sân chơi bình đẳng, minh bạch, rõ ràng.
Trong 3 năm qua có thể thấy, Việt Nam đang trở thành tâm điểm thu hút đầu tư khi những tập đoàn lớn nhất Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU… đều đã tìm đến nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Việt Nam. Rõ ràng tác động đã nhìn thấy, không cần chờ đến khi kết thúc đàm phán hay ký kết hiệp định hoặc đợi được phê chuẩn.
Đặc biệt, hàng tỷ USD đã đầu tư vào Việt Nam, chẳng hạn trong lĩnh vực dệt của Việt Nam để tận dụng ưu thế về quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” nhằm tiếp cận thị trường và hưởng thuế suất 0%. Hoa Kỳ đang nằm trong top 10 nhà đầu tư của Việt Nam. Nhưng các nhà đầu tư Hoa Kỳ vẫn kỳ vọng trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong tương lai.
Tuy tiến trình hội nhập đã gõ cửa nhưng nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn “mơ hồ” về quá trình hội nhập? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Bản thân tôi thì không thích dùng từ “mơ hồ” để nói về sự chuẩn bị của DN Việt đối với quá trình hội nhập. Mà nên nói rằng, doanh nghiệp Việt với 25 năm hội nhập kể từ năm 1990 đến nay đã học được nhiều kinh nghiệm và cũng đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Mặc dù thấy nhiều thách thức nhưng đại đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn ủng hộ hội nhập, cho rằng hội nhập đem lại nhiều cơ hội rất lớn để kinh doanh và đầu tư.
Tuy nhiên, cái mà chúng ta lo ngại hơn là chuyển hóa những cam kết, quy định, cách chơi vào chiến lược kinh doanh thì doanh nghiệp Việt còn yếu. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều đã có chiến lược và sự chuẩn bị gấp rút cho hội nhập. Nhưng ở Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ còn nhiều, thậm chí có những doanh nghiệp “nhỏ li ti”, khả năng tiếp cận và tận dụng cơ hội để làm ăn còn khá yếu.
Trong đó, có một vài doanh nghiệp vẫn cố gắng bươn chải, học hỏi để vươn lên. Nhưng cũng có không ít doanh nghiệp có khả năng sống sót cao, chờ vấp ngã rồi học hỏi và phát triển từ vấp ngã. Nếu chuẩn bị tốt thì chi phí tuân thủ thấp hơn, còn ngược lại chi phí sẽ cao.
Kinh nghiệm hơn 20 năm hội nhập cho thấy, khả năng sống sót của doanh nghiệp Việt Nam rất cao, khi vấp ngã rồi sẽ rút kinh nghiệm để tự đứng lên.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!