MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tin kinh tế 11/2: Việt Nam đứng 22 thế giới về phát triển nhanh vào 2050

Tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế đã rõ hơn; Khai thác bauxite để sản xuất alumin là đúng đắn; Bộ Tài chính công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải… cũng là những thông tin đáng chú ý trong ngày.

PwC: Việt Nam đứng 22 thế giới về phát triển nhanh vào 2050

Theo Đài BBC, dự báo phát triển kinh tế do PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố cho giai đoạn 2030-2050 đánh giá Việt Nam sẽ nằm trong số 22 nền kinh tế có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lớn nhất tính theo Cân bằng sức mua.

Năm 2014, Việt Nam đứng thứ 32 về xếp hạng GDP theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cùng với Nigeria, Việt Nam được xem là nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất từ nay tới 2050. Với đà tăng trưởng dự kiến từ 4,5-5%, Việt Nam sẽ đứng thứ 28 vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ ở vị trí 22, đứng sau Thái Lan (21) và Philippines (20).

Khai thác bauxite để sản xuất alumin là đúng đắn

Tổ hợp bauxite - nhôm Tân Rai - Lâm Đồng do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) làm chủ đầu tư dự án. Theo Vinacomin, trong năm 2014, nhà máy xuất khẩu 490.000 tấn alumin với giá bán cao hơn dự kiến, đem lại nguồn thu 160 triệu USD. Đến ngày 4-2, chỉ còn 28 lao động Trung Quốc của nhà thầu EPC Chalieco làm việc tại dự án để bảo hành nhà máy, nghiệm thu, thanh toán hợp đồng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chủ trương về khai thác bauxite để sản xuất alumin là đúng đắn vì các dự án dù chưa chạy hết công suất nhưng năm 2014 đã đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 3.500 tỉ đồng, nộp ngân sách địa phương hơn 200 tỉ đồng; nếu chạy hết công suất sẽ đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp khoảng trên 4.500 tỉ đồng.

Bộ Tài chính: Vẫn còn đơn vị chưa giảm giá cước hoặc giảm chưa phù hợp với biến động giá xăng dầu

Chiều nay (11/2), Bộ Tài chính đã có thông báo chính thức về việc điều chỉnh giá cước vận tải sau nhiều đợt kiểm tra liên ngành. Kết quả đến hết tháng 12/2014, giá cước vận tải bằng ô tô đã điều chỉnh giảm 1 đợt; giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92%-26,32%, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7%.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải. Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá.

"Không thể bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN"

Theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW, Bộ Công thương bảo vệ đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN. Bộ đồng ý tăng giá để bù lỗ cho doanh nghiệp, thay vì bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, Bộ lại bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN.

“Việc cần làm bây giờ là Bộ Công thương phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan. Qua đó, kiểm soát giá điện, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN. Không thể có những tuyên bố mang tính thách đố và mặc cả như không tăng giá thì EVN sẽ phá sản và sụp đổ ngành điện” – ông Cung nói.

ADB tài trợ 234 triệu USD cải cách năng lực cạnh tranh và giao thông

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng Nhà nước vừa ký kết hai hiệp định vay vốn với tổng trị giá khoảng 234 triệu USD nhằm hỗ trợ những cải cách giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam và phát triển một hệ thống giao thông đô thị bền vững ở thủ đô Hà Nội.

Các hiệp định vay vốn được ký bao gồm một khoản vay chính sách trị giá 230 triệu USD cho Chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ hỗ trợ cho Chương trình tín dụng cạnh tranh quản lý kinh tế. Đây là một chương trình hỗ trợ ngân sách chung của đối tác phát triển, dựa trên các ưu tiên đổi mới đất nước của Chính phủ.

“Tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế đã rõ hơn”

Phát biểu khai mạc hội thảo “Báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014 và triển vọng kinh tế năm 2015” sáng 11/2, TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW nhận định, tín hiệu phục hồi tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2014 đã rõ hơn, song còn thấp xa so với mức trung bình giai đoạn 1990-2010 và xu thế tăng trưởng chưa được phục hồi rõ nét.

Trong đó, phục hồi tăng trưởng chủ yếu chỉ diễn ra ở lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và nông lâm nghiệp – thủy sản; phục hồi tăng trưởng chậm lại ở lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Khai thác bauxite để sản xuất alumin là đúng đắn

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên